Ca nhiễm đã được phát hiện vào ngày 24/1 vừa qua trong quá trình kiểm tra định kỳ. Con bò bị phát hiện nhiễm BSE tại làng Mirsk, Tây Nam Ba Lan, khu vực giáp CH Czech (Séc) và Đức, đã nhanh chóng được xử lý. Tuyên bố của Tổ chức Sức khỏe động vật thế giới (OIE) nhấn mạnh khả năng toàn bộ gia súc bị nhiễm BSE là khó xảy ra và không làm thay đổi đánh giá nguy cơ nhiễm BSE tại Ba Lan hiện đang ở mức thấp.
Năm 1996, việc phát hiện bò tại nước Anh bị nhiễm BSE đã khiến Liên minh châu Âu (EU) ra lệnh cấm thịt bò Anh trên toàn thế giới và các sản phẩm liên quan, sau khi biết rằng virus này có thể truyền sang người dưới dạng bệnh Creutzfeldt-Jakob và có khả năng gây chết người. Lệnh cấm này đã được dỡ bỏ 3 năm sau đó.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Ba Lan đang điêu đứng vì bê bối liên quan đến thịt bò. Người đứng đầu ngành thú y của Ba Lan, ông Pawel Niemczuk mới đây xác nhận Ba Lan đã xuất khẩu 2.700 kg thịt bò nghi không đảm bảo an toàn thực phẩm sang các nước Liên minh châu Âu (EU) gồm Pháp, Romania (Ru-ma-ni), Thụy Điển, Hungary, Estonia (Êx-tô-ni-a), Phần Lan, Tây Ban Nha, Lithuania (Lit-va), Bồ Đào Nha và Slovakia (Xlô-va-ki-a). Thụy Điển xác nhận 240 kg thịt bò xuất xứ từ lò mổ "bẩn" trên đã được nhập khẩu và bán cho bốn công ty của nước này. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Pháp cho biết cơ quan này đã xác định được khoảng 140 kg thịt bò nghi nhiễm bẩn nhập từ Ba Lan còn trôi nổi trên thị trường, trong đó có cả những sản phẩm đã được bán cho các khách hàng.
Giới chức Ba Lan hiện đang mở cuộc điều tra về vụ việc liên quan. Lò mổ trên cũng đã bị đóng cửa để phục vụ điều tra. Ba Lan sản xuất khoảng 560.000 tấn thịt bò mỗi năm, trong đó khoảng 80 - 85% lượng thịt này được xuất khẩu. Bê bối thịt bò bệnh đã khiến giá thịt bò tại Ba Lan giảm mạnh những ngày qua và ước tính có thể gây thiệt hại cho các nhà sản xuất nước này tới 160 triệu USD trong năm 2019.