Ngành hàng không Inđônêxia đang "cất cánh"

Sự kiện Chủ tịch hãng hàng không Inđônêxia Lion Air, Rusdi Kirana, mới đây ký hợp đồng kỷ lục với nhà chế tạo máy bay hàng đầu thế giới Boeing của Mỹ tại Hội chợ Triển lãm hàng không Quốc tế “Airshow Singapore”, diễn ra tại Xingapo từ 14-19/2, không chỉ đánh dấu tham vọng của hãng này, mà còn là một bước phát triển mới mang tính bước ngoặt cho ngành hàng không lớn thứ ba thế giới của Inđônêxia.

Thật khó hình dung sự phát triển mạnh mẽ của Lion Air, một hãng mới 12 năm tuổi kể từ khi được thành lập năm 2000 với 1 chiếc máy bay phục vụ một tuyến bay nội địa Jakarta-Pontianak, khi đặt mua tới 230 chiếc Boeing 737 trị giá 22,4 tỷ USD. Lion Air hiện tự hào với một đội bay 67 chiếc, phục vụ các tuyến bay quốc tế và nội địa tới 35 thành phố, bao gồm cả Xingapo và Cuala Lămpơ. Xingapo có kết nối hàng không với 5 thành phố của Inđônêxia, và việc bổ sung thêm máy bay của Lion Air có nghĩa là các chuyến bay sẽ thường xuyên hơn với mức giá có thể thấp hơn.

Hãng hàng không Inđônêxia Lion Air. Nguồn: Internet


Theo số liệu chính thức, lượng hành khách đi qua sân bay Soekarno-Hatta tại thủ đô Giacácta (Inđônêxia) đã tăng từ 12 triệu lượt người năm 2001 lên gần 50 triệu lượt người năm 2011, mức tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Các nhà phân tích cho rằng sự phát triển nhanh chóng của ngành hàng không Inđônêxia bắt nguồn từ sự kết hợp của hai yếu tố: từ việc tự do hóa ngành hàng không vào cuối năm 1990, và sự gia tăng tầng lớp trung lưu nhờ kinh tế đất nước liên tục tăng trưởng ổn định ở mức cao, trong đó mức tăng 6,5% năm 2011 là kết quả cao nhất trong 15 năm trở lại đây.

Tất cả những điều này đã giúp thúc đẩy doanh thu của 50 hãng hàng không đang hoạt động ở Inđônêxia, và lượng hành khách được dự báo sẽ tăng 13% trong năm nay - cao gấp đôi mức tăng trung bình của ngành hàng không toàn cầu trong năm ngoái.

Nhà phân tích thị trường hàng không Shukor Yusof của Standard & Poor's nhận xét: "Về mặt địa lý, Inđônêxia là quốc gia hoàn hảo cho hàng không phát triển mạnh, nhờ địa hình đa dạng với trên 17.000 hòn đảo. Nhất là các hãng phục vụ trên tuyến nội địa, bởi khu vực kinh tế trong nước của đất nước 240 triệu dân này chiếm tới 3/4 lượng hành khách”.

Ông Kirana cho biết, Lion Air, hiện phục vụ khoảng 27 triệu lượt hành khách/năm, đặt mục tiêu nâng thị phần trong nước từ 51% hiện nay lên 60% trong vòng 5 năm tới và dự định sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Mới đây, công ty con Wings Air của Lion Air đã ký hợp đồng trị giá 610 triệu USD mua 27 chiếc máy bay loại nhỏ hơn để phục vụ các tuyến bay ngắn.

Ông Emirsyah Satar, Giám đốc điều hành Garuda, hiện chiếm 24% thị trường trong nước, đối thủ cạnh tranh gần nhất của Lion Air, cho biết hãng cũng có kế hoạch tăng gấp đôi đội bay 89 chiếc của mình lên 154 chiếc vào năm 2015. Garuda hiện đang tìm kiếm đối tác, hoặc Bombardier của Canađa, hay Embraer của Braxin, để mua 6 máy bay chở khách cỡ lớn, trị giá khoảng 1,32 tỷ USD.

Hãng Indonesia AirAsia, hiện thuê riêng một điểm đỗ tại sân bay Soekarno-Hatta, cũng có kế hoạch mở rộng đội bay. Tiger Airways của Xingapo tin tưởng vào tiềm năng và triển vọng của thị trường hàng không Inđônêxia, mới đây đã mua lại 33% cổ phần trong Mandala Airlines, giúp hãng này có thể nối lại hoạt động do phải tạm ngừng bay trước đó vì khó khăn tài chính.

Tổng thư ký Hiệp hội Hàng không Quốc gia Inđônêxia, Tengku Burhanuddin cho biết, Chính phủ Inđônêxia đã dành một khoàn ngân sách 6.000 tỷ rupiah (666 triệu USD) để mở rộng và xây dựng các sân bay nhằm đáp ứng nhu cầu ngày một tăng, đồng thời có kế hoạch xây dựng 20 sân bay trong vòng 15 năm tới.

TTXVN/ Tin Tức
Hãng hàng không Qantas giảm nhân công do thua lỗ
Hãng hàng không Qantas giảm nhân công do thua lỗ

Ngày 16/2, Hãng hàng không Qantas của Ôxtrâylia thông báo sẽ cắt giảm 500 nhân viên do hoạt động kinh doanh bị thua lỗ nặng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN