Phát biểu trong cuộc họp báo ở thủ đô Washington (Mỹ) sau cuộc họp của các nhà lãnh đạo tài chính Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20), ông Ueda cho rằng BOJ sẽ xem xét thay đổi chính sách tiền tệ nếu việc đồng yen yếu hơn có thể làm tăng xu hướng lạm phát thông qua việc tăng giá hàng hóa nhập khẩu. Theo ông, BOJ sẽ xem xét sự sụt giảm của đồng yen so với đồng USD và các loại tiền tệ khác kể từ tháng 1/2024 đã ảnh hưởng đến mức tăng trưởng kinh tế hàng quý và giá cả như thế nào tại cuộc họp chính sách vào tuần tới.
Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản ngày 19/4 công bố dữ liệu cho thấy lạm phát lõi của nước này đã chậm lại trong tháng 3 nhờ giá năng lượng giảm dần, nhưng vẫn tăng 2,6%, cao hơn nhiều so với mục tiêu của BOJ. Trong tài khóa 2023 tính đến hết tháng 3 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi không bao gồm thực phẩm tươi sống đã tăng 2,8%, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp thước đo lạm phát chính cao hơn mục tiêu 2% của BOJ. Nếu không bao gồm cả năng lượng và thực phẩm tươi sống, CPI lõi trong tháng 3 đã tăng 2,9%, tốc độ tăng chậm lại trong tháng thứ 7 liên tiếp. Chỉ số năm 2023 đã chậm lại một chút từ mức 3% trong năm tài chính trước đó.
Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, giá thực phẩm không bao gồm các đồ dễ hỏng (đồ tươi sống, rau, củ, quả) vẫn tăng 4,6% trong khi hàng bảo quản lâu dài tăng 1,9% dù tốc độ tăng đã chậm lại từ tháng 2. Tác động của các khoản trợ cấp của chính phủ nhằm hạn chế hóa đơn tiện ích đã bắt đầu giảm dần khiến giá năng lượng giảm 0,6%.
Thị trường tài chính kỳ vọng BOJ sẽ tiến hành một đợt tăng lãi suất khác sau sự thay đổi mang tính biểu tượng vào tháng 3, phản ánh niềm tin ngày càng tăng vào việc tăng trưởng tiền lương cao hơn sẽ đảm bảo lạm phát ổn định. Tính tới nay, mức tăng CPI lõi của Nhật Bản đã duy trì ở mức bằng hoặc trên 2% trong 24 tháng. Tuy nhiên, giá hàng hóa hằng ngày tăng cao đã đè nặng lên tâm lý hộ gia đình khi tốc độ tăng lương tiếp tục chậm hơn tốc độ lạm phát.
Sự suy yếu kéo dài của đồng yen, hiện đang ở mức thấp nhất trong hơn ba thập kỷ so với đồng USD, đang khiến lạm phát của Nhật Bản tăng cao do chi phí nhập khẩu cao hơn.