Sau nhiều tuần bác bỏ kế hoạch tấn công, lực lượng quân đội Nga đã bắn tên lửa vào một số thành phố của Ukraine và đổ bộ quân lên bờ biển của nước này ngày 24/2.
Đồng nội tệ, trái phiếu và chứng khoán của Nga đều lao dốc, khiến Ngân hàng trung ương tuyên bố đợt can thiệp ngoại hối đầu tiên để củng cố sự ổn định tài chính kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Đồng ruble trượt xuống mức thấp kỷ lục chưa từng có 89,60 ruble/USD và gần ngưỡng quan trọng là 100 ruble/euro. Trước khi căng thẳng địa chính trị gần đây giữa Moskva và phương Tây bắt đầu leo thang vào tháng 10/2021, đồng tiền này giao dịch ở mức 70 ruble/USD và 81 ruble/euro.
Để ổn định tình hình trên thị trường tài chính, Ngân hàng trung ương Nga đã quyết định bắt đầu can thiệp vào thị trường tiền tệ. Động thái này đã giúp đồng ruble thu hẹp đà giảm.
Ngày 24/2, Ngân hàng trung ương Nga đã tăng mức bán đồng USD hàng ngày theo hoạt động hoán đổi ngoại hối với các ngân hàng từ mức 3 tỷ USD lên 5 tỷ USD và bán 874 tỷ ruble (10 tỷ USD) trong một cuộc đấu giá repo hàng ngày, nhằm cung cấp thêm thanh khoản cho 300 ngân hàng.
Ngân hàng trung ương Nga cũng đã quyết định mở rộng danh sách chứng khoán mà ngân hàng này chấp nhận làm tài sản thế chấp để đổi lấy thanh khoản. Sberbank, ngân hàng hàng đầu của Nga, cho biết ngân hàng này vẫn hoạt động bình thường cho đến nay.
Công cụ khác mà Ngân hàng trung ương Nga “dự phòng” để giảm bớt sức ép đồng ruble đi xuống là lãi suất chủ chốt. Ngân hàng này dự kiến sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ do đang phải vật lộn để kiềm chế lạm phát.
Các thị trường hiện chuẩn bị cho tác động của các biện pháp trừng phạt mới và khắc nghiệt của phương Tây nhằm vào Moskva vì cuộc tấn công Ukraine.
Renaissance Capital cho biết các lệnh trừng phạt này sẽ rất đáng kể, không giống như các lệnh trừng phạt mềm được áp dụng hôm vào 23 - 24/2.