Báo cáo của BOI cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, “hệ thống tài chính nội địa vẫn ổn định” nhờ hệ thống ngân hàng, các công ty bảo hiểm và các thị trường tài chính vận hành tốt. Các hộ gia đình và doanh nghiệp duy trì được sức chống chọi trước những cú sốc, nhờ các gói hỗ trợ và chính sách nới lỏng tiền tệ trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, bên cạnh đó, kinh tế Israel cũng chịu những tác động song song của hai yếu tố. Một, các đợt tăng lãi suất liên tục để chống lạm phát, kinh tế tăng trưởng chậm lại ở cả trong và ngoài nước và những bất ổn của hệ thống tài chính toàn cầu. Hai, những hậu quả tâm lý gây ra bởi kế hoạch cải cách tư pháp của chính phủ.
Báo cáo nêu rõ: "Những bất trắc xung quanh kế hoạch cải cách tư pháp đã làm gia tăng biên độ rủi ro đối với nền kinh tế, song song với diễn biến tiêu cực của tỷ giá hối đoái dẫn đến lạm phát tăng lên, thị trường chứng khoán giảm giá và các thị trường hối đoái và tài chính bất ổn".
Hồi đầu năm nay, Thống đốc BOI Amir Yaron đã cảnh báo kế hoạch cải cách tư pháp có thể làm nản lòng giới đầu tư và gây ra một làn sóng giới trí thức rời bỏ Israel. Lãnh đạo các doanh nghiệp cũng cảnh báo kế hoạch cải cách theo hướng tước bỏ tính độc lập của tòa án có thể gây ra “mối đe dọa tồn vong” tới ngành công nghệ của Israel vốn đang phát triển mạnh mẽ nhờ những nỗ lực gây dựng không mệt mỏi trong suốt 3 thập kỷ qua.
Một cuộc khảo sát hồi Tháng 4 do Trung tâm Khởi nghiệp Quốc gia tại Israel thực hiện cho thấy 46% các doanh nghiệp trả lời “có kế hoạch rút dự trữ tiền mặt khỏi Israel”, trong đó trên 50% dự định sẽ chuyển quá nửa dự trữ thanh khoản ra khỏi đất nước. 42% doanh nghiệp xem xét việc chuyển đăng ký và 27% tính toán nghiêm túc việc điều chuyển nhân viên ra nước ngoài.