Nga tuyên bố đa số người tiêm vaccine Sputnik V không có tác dụng phụ

Ngày 24/12, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh vật quốc gia Gamaleya của Nga, ông Alexander Ginzburg, cho biết khoảng 85% số người được tiêm vaccine Sputnik V ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do nước này sản xuất không có tác dụng phụ trong 3 giai đoạn thử nghiệm.

Chú thích ảnh
Vaccine Sputnik V do Viện nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh học Quốc gia Gamaley của Nga phát triển. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo ông Ginzburg, các cuộc thử nghiệm cũng ghi nhận 15% số người tiêm Sputnik V bị tấy đỏ tại chỗ tiêm và bị đau đầu nhẹ song triệu chứng này đã hết trong vòng 24 giờ sau khi tiêm. Ông cho biết: "Triệu chứng khó chịu nhất có thể xảy ra là sốt 38 độ trong 2 ngày nhưng có thể uống một viên paracetamol để hạ sốt".

Vaccine Sputnik V, do Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya phát triển. Tháng 8 vừa qua, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho vaccine phòng COVID-19 dù chưa hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3. Trong tháng 12 này, Nga đã triển khai tiêm vaccine Sputnik V cho các bác sĩ và những nhân viên y tế ở tuyến đầu, với hơn 200.000 người đã được chủng ngừa. Các dữ liệu thử nghiệm sơ bộ được công bố vào tuần trước cho thấy vaccine Sputnik V đạt hiệu quả phòng ngừa lên tới 91,4%. Argentina là quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh phê chuẩn việc sử dụng Sputnik V dựa trên những kết quả thu được trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng tại Nga. 

Cùng ngày, Chính phủ Anh thông báo kể từ khi nước này khởi động chương trình tiêm chủng hồi đầu tháng này, hơn 600.000 người dân đã được tiêm mũi đầu tiên của vaccine phòng COVID-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển,

Trong một tuyên bố, Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh nêu rõ: "Ngày hôm nay, Chính phủ đã công bố các số liệu cho thấy số người được tiêm vaccine trong khoảng thời gian từ ngày 8/12 tới ngày 20/12 tại Anh là 616.933 người".

Hồi đầu tháng này, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Anh đã đặt mua 40 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech và Bộ trưởng Y tế Matt Hancock hy vọng nước này sẽ tiếp nhận hàng triệu liều vaccine vào cuối năm nay. Chính phủ cho biết các đối tượng được ưu tiên chủng ngừa là người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên và các nhân viên y tế.

Cũng theo Bộ trưởng Hancock, hãng dược phẩm AstraZeneca của Anh đã nộp đầy đủ hồ sơ vaccine phòng COVID-19 mà hãng này và đại học Oxford hợp tác sản xuất cho cơ quan quản lý y tế để xin phê duyệt. Giám đốc Cơ quan Quản lý thuốc và các sản phấm y tế Anh (MHRA) June Raine thông báo cơ quan này đã bắt đầu phân tích dữ liệu của AstraZeneca và sẽ đưa ra quyết định "sớm nhất có thể".

Sự xuất hiện biến thể mới VUI-202012/01 của virus SARS-CoV-2 với tốc độ lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng gốc đang là thách thức lớn trong cuộc đua nhằm kiểm soát dịch bệnh tại Anh. Nước này đã áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để chống dịch tại những khu vực rộng lớn ở vùng England. Do lo ngại nguy cơ lây lan của biến thể virus SARS-CoV-2, nhiều nước ở châu Âu và châu Á đã tạm dừng tiếp nhận các chuyến bay từ Anh.

Phương Oanh (TTXVN)
Malaysia đàm phán đặt mua 6,4 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga
Malaysia đàm phán đặt mua 6,4 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga

Malaysia đang đàm phán với phía Nga để đặt mua 6,4 triệu liệu vaccine Sputnik V ngừa COVID-19, hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Sáng tạo Malaysia Khairy Jamaluddin ngày 23/12 cho biết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN