Thực tế sự xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc đang được thể hiện rõ nét. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau thường xuyên hơn bất kỳ lãnh đạo thế giới nào. Ngoài hợp tác kinh tế khăng khít, Trung Quốc đã trở thành đối tác quan trọng của Nga trong lĩnh vực kỹ thuật-quân sự, từ mua vũ khí, trong đó có hệ thống phòng không tiên tiến S400 và máy bay chiến đấu Sukhoi SU-35, tới tham gia cuộc tập trận Vostok-18, được xem là cuộc tập trận lớn nhất của Nga sau Chiến tranh Lạnh.
Điều này cho thấy mức độ tin cậy cao giữa hai bên. Trong nhiều vấn đề quốc tế, Nga và Trung Quốc thường có quan điểm đồng nhất và nhiều lần hỗ trợ lẫn nhau trong chính sách đối ngoại. Đặc biệt, hai nước có chung mối lo ngại là sức ép từ Mỹ bởi Washington coi Nga và Trung Quốc là hai đối thủ đe dọa lợi ích an ninh cũng như kinh tế của Mỹ, đồng thời, trên trường quốc tế, Moskva và Bắc Kinh đang thể hiện theo đuổi mục tiêu thay đổi một trật tự thế giới do Mỹ chi phối.
Trong bối cảnh Mỹ đang nhằm thẳng vào hai quốc gia này bằng các lệnh trừng phạt, đặc biệt là khơi mào cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, Bắc Kinh và Moskva càng đẩy mạnh hợp tác. Nền kinh tế của Nga và Trung Quốc hiện đang bổ sung hiệu quả cho nhau: Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất còn Nga là nước xuất khẩu năng lượng và nguyên liệu đầu vào hàng đầu thế giới.
Trung Quốc thiếu đất trồng trọt để nuôi sống dân số khổng lồ, trong khi Nga, với tiềm năng đất đai bao la, đang trở thành cường quốc xuất khẩu ngũ cốc. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại riêng lẻ lớn nhất của Nga, nếu không tính Liên minh châu Âu (EU). Về phần mình, Nga đã “soán ngôi” Saudi Arabia trở thành nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho Trung Quốc vào năm 2015.
Quan hệ hợp tác song phương này có vai trò đặc biệt khi đầu tư của Trung Quốc và “cơn khát” năng lượng của nước này đã tạo điều kiện cho Nga chống chọi lại được sức ép kinh tế của phương Tây. Một đường ống dẫn khí đốt mới, mang tên Sức mạnh Siberia, sắp được khởi công sẽ có thể đưa 38 tỷ m3 khí/năm đến miền Bắc Trung Quốc từ tháng 12/2019.
Bên cạnh đó, hai bên đang đàm phán xây dựng hai đường ống dẫn khí đốt khác kết nối Trung Quốc với các mỏ khí đốt tại Siberia. Các dự án này là cách để Moskva giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường năng lượng châu Âu, vốn đang "quay lưng" với Nga, và cũng giúp Trung Quốc vượt qua tác động từ các biện pháp hạn chế của Mỹ. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga lần này, đã tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực dầu khí của Nga.
Sự liên kết giữa sáng kiến "Vành đai và con đường" của Trung Quốc với dự án Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) của Nga đang giúp đơn giản hóa và tự do hóa đầu tư-thương mại giữa hai bên. Theo số liệu thống kê hải quan của Nga, kim ngạch thương mại song phương năm ngoái đạt 87 tỷ USD, tăng 31,5% so với năm trước đó.
Trong khi đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết kim ngạch thương mại song phương trong 9 tháng đầu năm nay đã đạt 77,2 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến đến hết năm nay, thương mại Nga - Trung sẽ tăng trưởng kỷ lục và đạt 100 tỷ USD trong năm 2018. Thậm chí, Thủ tướng Nga Medvedev đã đặt một mục tiêu mới cao hơn trong thương mại song phương khi nói rằng kim ngạch 200 tỷ USD là điều hoàn toàn có thể thực hiện được trong tương lai gần.
Các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm của Thủ tướng Nga lần này đã củng cố thêm cho mối quan hệ hợp tác hiệu quả và thực dụng giữa hai nước, đồng thời cũng thể hiện Nga và Trung Quốc đang và sẽ duy trì mối liên minh chặt chẽ mang tính chiến thuật trước những sức ép từ bên ngoài.
Hai bên đã nhất trí kế hoạch hợp tác phát triển nông nghiệp khu vực Viễn Đông và Baikal của Nga và vùng Đông Bắc Trung Quốc, trong đó Moskva sẽ tăng lượng cung cấp đậu tương sang thị trường Trung Quốc, quốc gia hiện phải nhập khẩu khoảng 90 triệu tấn/năm, mà Thủ tướng Nga nói rằng để "bù đắp" phần từ nhập khẩu của Mỹ (khoảng 30 triệu tấn). Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy để từ nay tới cuối năm ký thỏa thuận thiết lập hệ thống thanh toán xuyên biên giới bằng đồng nội tệ ruble và Nhân dân tệ (NDT), giúp giảm đáng kể rủi ro do cách lệnh trừng phạt và sự phụ thuộc vào đồng USD.
Nếu như chính sách của Mỹ và phương Tây từ năm 2014 đã đẩy nhanh tiến độ thiết lập lại quan hệ hữu nghị giữa Moskva và Bắc Kinh, thì các biện pháp trừng phạt và áp thuế mới của Mỹ gần đây ngày càng khiến Moskva và Bắc Kinh tìm kiếm cách tiếp cận chung để biến hợp tác cùng có lợi trở thành chiến thuật đối phó với những thách thức mà hai bên cùng đối mặt.