Hãng thông tấn Tass dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga cho biết các cá nhân bị trừng phạt sẽ bị cấm nhập cảnh vào Nga vĩnh viễn vì những hành động bài xích Nga.
Trong “danh sách đen” này có Đệ nhất Phu nhân Mỹ Jill Biden và con gái Tổng thống Biden, cô Ashley. Danh sách còn có nhiều chính khách và Giáo sư Đại học Stanford, ông Francis Fukuyama, một chuyên gia phân tích chính trị nổi tiếng ở Mỹ.
Hồi tháng 4, Bộ Tài chính Mỹ thông báo Washington đã bổ sung 40 thực thể và 29 cá nhân của Nga vào danh sách trừng phạt của Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC). Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo lệnh trừng phạt đối với một trong những công ty khai thác kim cương lớn nhất thế giới là Alrosa thuộc sở hữu nhà nước Nga. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đưa công ty United Shipbuilding Corporation thuộc sở hữu nhà nước Nga cũng như các công ty con của doanh nghiệp này vào danh sách "đen".
Ngoài ra, nhà chức trách Mỹ đã thực hiện các biện pháp "phong tỏa toàn diện" đối với các tổ chức tài chính công và tư nhân lớn nhất của Nga, trong đó có Sberbank và Alfa Bank, đồng thời tuyên bố cấm mọi khoản đầu tư mới của Mỹ vào Nga.
Động thái của Moskva được đưa ra một ngày sau khi hãng thông tấn nhà nước Tass cho biết Bộ Thương mại Mỹ lần đầu tiên công bố một loạt hạn chế nhằm vào những công ty giúp Nga né tránh các đòn trừng phạt.
Một bản thông báo các quyết định của Chính phủ Mỹ đối với Nga có đoạn nêu rõ: "Bộ Thương mại Mỹ quyết định triển khai hành động đầu tiên chống lại các công ty liên quan tới vào hoạt động hỗ trợ Nga bằng cách bổ sung một số công ty trên khắp thế giới vào Danh sách Thực thể, theo đó sẽ cấm các công ty này mua hàng hóa và công nghệ có nguồn gốc do Mỹ sản xuất, chẳng hạn như chất bán dẫn”.
Thông báo cho biết thêm “Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ sẽ thực thi biện pháp trừng phạt đối với những người có liên quan đến việc hỗ trợ các nỗ lực tránh trừng phạt của Nga. Bộ Thương mại và Tài chính sẽ phối hợp đưa ra cảnh báo tới các tổ chức tài chính để giúp phát hiện các vi phạm tiềm tàng đối với biện pháp kiểm soát xuất khẩu”.
Trong khi đó cùng ngày, hãng thông tấn Tass cho hay Nhà Trắng tuyên bố Mỹ cũng sẽ áp đặt trừng phạt bằng cách hạn chế cấp thị thực nhập cảnh đối với 500 quan chức Nga liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine. Với quyết định này, tới nay Washington trừng phạt trên 1.000 cá nhân và thực thể của Nga.
Tass dẫn một tuyên bố của Nhà Trắng ghi rõ: “Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ thực thi các lệnh trừng phạt phong tỏa nhằm vào các công ty quân sự tư nhân đang hoạt động ở Ukraine, các đơn vị quân đội Nga bị cho là lạm dụng nhân quyền và vi phạm luật nhân đạo quốc tế ở Ukraine, các quan chức cấp cao do Nga bố trí ở những khu vực lực lượng Nga kiểm soát”. Theo nguồn tin này, 500 quan chức bị hạn chế thị thực với cáo buộc vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hay sự độc lập về chính trị của Ukraine”.
Ngoài ra, đài Sputnik đưa tin chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ sớm ra quyết định nâng thuế nhập khẩu đối với khoảng 570 mặt hàng của Nga, với tổng giá trị lên tới 2,3 tỷ USD.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã liên tiếp áp đặt nhiều vòng trừng phạt nhằm vào Moskva, kích hoạt động thái trả đũa từ phía Nga.
Gần đây nhất, Bộ Ngoại giao Nga ngày 27/6 tuyên bố nước này đã áp lệnh trừng phạt nhằm vào 43 công dân Canada, nhằm đáp trả động thái tương tự hồi tháng 5 của Ottawa. Các cá nhân người Canada này sẽ bị cấm nhập cảnh vĩnh viễn vào Nga.
Trong số những người bị Nga áp đặt trừng phạt nói trên có các quan chức liên bang và khu vực. Moskva khẳng định Nga “có quyền triển khai các hành động trả đũa nhằm đáp lại những hành động thù địch công khai của Ottawa”.