Nga triệu Đại sứ Hà Lan phản ứng kết quả điều tra vụ MH17

Bộ Ngoại giao Nga ngày 3/10 đã triệu Đại sứ Hà Lan tại thủ đô Moskva, bà Renee Jones-Bos để phản ứng trước tuyên bố gần đây của các chuyên gia Hà Lan về vụ rơi máy bay mang số hiệu MH17 của Hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) cách đây 2 năm, làm toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó phần lớn là công dân Hà Lan.

Nhóm điều tra quốc tế công bố kết quả điều tra bước đầu vụ rơi máy bay MH17 tại Nieuwegein, Hà Lan ngày 28/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cho biết phía Nga đã nêu quan điểm với Đại sứ Hà Lan về những lý do khiến Moskva nghi ngờ tính khách quan, sự tin cậy và tính công bằng của các kết luận từ Nhóm điều tra chung. Moskva hối thúc Hà Lan nghiên cứu kỹ dữ liệu radar về MH17 mà quân đội Nga gần đây chuyển giao cho Nhóm điều tra này. Theo truyền thông Nga, Đại sứ Jones-Bos cho biết sau cuộc gặp nói trên, bà sẽ thảo luận về phản ứng của Nga với Chính phủ Hà Lan, song không thông báo thêm chi tiết.


Trước đó, ngày 28/9, các nhà điều tra quốc tế đã tuyên bố rằng máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia Airlines bị rơi năm 2014 là do trúng tên lửa Buk được bắn đi từ làng Pervomaysk do lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine kiểm soát. Cụ thể hơn, nhóm điều tra của Hà Lan khẳng định máy bay MH17 đã bị bắn hạ bằng một tên lửa Buk thuộc loại 9M83 được chuyển từ Nga. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã ngay lập tức bác bỏ thông tin này và Bộ Ngoại giao Nga cũng nhận xét kết quả điều tra là "thiên vị và mang động cơ chính trị". Trong khi đó, hãng Almaz-Antey của Nga chuyên sản xuất tổ hợp tên lửa Buk từng cho rằng máy bay đã bị bắn hạ bằng tên lửa phóng đi từ vùng lãnh dưới quyền kiểm soát của quân đội Ukraine, đồng thời khẳng định nếu tên lửa được bắn đi từ làng Snezhnoye như kết luận của Hà Lan, nó sẽ không thể trúng mạn trái của máy bay.


Ngày 17/7/2014, chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH17 đang trên hành trình bay từ Amsterdam (Hà Lan) đến Kuala Lumpur (Malaysia) đã bị rơi ở miền Đông Ukraine, khu vực đang ở trong tình trạng xung đột vũ trang. Ukraine và nhiều quốc gia phương Tây cáo buộc lực lượng đòi độc lập ở miền Đông đứng sau vụ việc này. Tuy nhiên, các tay súng ở miền Đông Ukraine bác bỏ mọi cáo buộc và cho rằng chính quân đội Ukraine đã bắn nhầm chiếc MH17.

TTXVN/Tin Tức
Ngoại trưởng Australia đề xuất  lập tòa án quốc tế xét xử vụ MH17
Ngoại trưởng Australia đề xuất lập tòa án quốc tế xét xử vụ MH17

Giống như việc xét xử vụ máy bay Pan Am nổ tung trên bầu trời Lockerbie năm 1988, cho dù Nga dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc điều tra vụ MH17, một tòa án do cộng đồng quốc tế có thể được thành lập để xét xử vụ MH17.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN