Cố vấn kỹ thuật của Tập đoàn sản xuất tên lửa Almaz-Antey thuộc Nga, ông Mikhail Malyshevsky phân tích những hình ảnh minh họa của máy bay MH17 tại cuộc họp báo ở Moskva ngày 28/9. Ảnh: EPA/TTXVN |
Ngoại trưởng Australia Julie Bishop ngày 2/10 cho rằng một phiên tòa theo hình thức xử vụ Lockerbie nên được cân nhắc để truy tố kẻ đứng sau vụ bắn rơi máy bay mang số hiệu MH17 của Hãng hàng không Malaysia ở Ukraine năm 2014.
Ngoại trưởng Bishop đã gặp gỡ với các nhà chức trách Hà Lan - nước muốn đưa vụ rơi máy bay năm 2014 này ra xét xử - sau báo cáo phân tích mới đây cho biết tên lửa bắn rơi máy bay mang số hiệu MH17 là do Nga sản xuất.
Phía Nga cho biết sẽ dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc điều tra chi tiết liên quan tới vụ việc này. Bà Bishop nói rằng vẫn còn một số lựa chọn thay thế mặc dù bà sẽ không ngăn cản nỗ lực tổ chức một cuộc điều tra của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
“Có thể là truy tố theo kiểu vụ Lockerbie, hình thức một phiên tòa do cộng đồng quốc tế thành lập. Hoặc có thể truy tố trong nước, ở Hà Lan, miễn là Hà Lan có quyền dẫn độ và muốn thực thi. Tôi cho rằng một phiên tòa trong nước sẽ có thể thiết lập dễ dàng hơn nhưng phải bảo đảm rằng có đủ thẩm quyền cần thiết”, bà nói.
Bà Bishop cũng đã có cuộc gặp với quan chức các nước khác liên quan tới điều tra chung ở New York để thảo luận về bước đi tiếp theo việc khởi tố những kẻ đã bắn tên lửa.
Hà Lan đã đề cập tới khả năng thành lập một phiên toà quốc tế, tương tự như phiên tòa đặc biệt được tổ chức ở nước này để xét xử vụ máy bay mang số hiệu 103 của hãng Pan Am nổ tung trên bầu trời Lockerbie, Scotland năm 1988.
Vụ xét xử kéo dài, cuối cùng đã kết án một trong hai nghi phạm vào năm 2011. Một phiên tòa đặc biệt có thể không cần thông qua Liên hợp quốc và có thể được thiết lập thông qua thỏa thuận với tất cả các nước có công dân thiệt mạng trong thảm họa năm 2014.