Hội thảo do báo "Nước Nga Ngày nay" (Russia Today) và Viện Vật lý Moskva (MEPhI) thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc gia Nga (NRNU) phối hợp tổ chức, đề cập tới 3 nội dung liên quan đến công nghệ hạt nhân, gồm tình trạng thiếu nguồn năng lượng, tác động của con người đối môi trường, tội phạm mạng và khủng bố mạng.
Tham dự hội thảo có các quan chức cấp cao của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Trung tâm Ứng dụng Hạt nhân Quốc tế Vienna (Áo), Đại học Công nghệ Vienna, Viện Quản lý Hạt Nhân (NKMI, Vienna) và mạng lưới giáo dục và đào tạo hạt nhân khu vực và quốc tế STAR-NET.
Tại hội thảo, các nhà khoa học hàng đầu của Viện MEPhI thuộc NRNU đã trình bày những nghiên cứu mới nhất được thực hiện với sự phối hợp các nhà khoa học quốc tế hàng đầu về nhiên liệu hạt nhân an toàn, phương thức bảo vệ nhà máy hạt nhân khỏi các nguy cơ khủng bố mạng, hệ thống bảo vệ Trái Đất khỏi các thiên thạch, cùng với những thành tựu mới nhất trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư và các vấn đề vật lý và y sinh.
Một trong những nội dung thu hút sự chú ý tại hội thảo là vấn đề áp dụng công nghệ nano trong chẩn đoán sớm bệnh ung thư và điều trị căn bệnh này. Giáo sư Andrei Kabashin của Viện Vật lý Y sinh thuộc MEPhI, cho biết hiện ung thư chiếm tới 15% các ca tử vong trên toàn cầu, trong khi chưa có phương pháp nào hữu hiệu để giúp chẩn đoán sớm căn bệnh này.
Điều đó đặt ra thách thức lớn trên toàn cầu. Sử dụng công nghệ nano trong công tác chẩn đoán sớm và các liệu pháp quang tử học, siêu âm, tần số vô tuyến, hạt nhân và từ trường mang lại nhiều hứa hẹn trong điều trị bệnh ung thư và các bệnh hiểm nghèo khác.
Đánh giá về những thách thức toàn cầu đối với lĩnh vực điện tử và quang tử học, Giáo sư Vladimir Labunov của Viện Công nghệ nano trong Lĩnh vực Điện tử, Điện tử spin (spintronics) và Quang tử học thuộc MEPhI, cho hay mặc dù nhiều công nghệ nano hứa hẹn sẽ tác động lớn đến xã hội, song công nghệ nano trong lĩnh vực điện tử (nanoelectronics) đến nay vẫn là công nghệ nano lớn nhất tới thời điểm này. Theo ông, cần đưa ra các cách thức để tiếp tục phát triển công nghệ nano.
Hiện 13 trường đại học của Azerbaijan, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Nga và Ukraine tham gia mạng lưới STAR-NET, với mục tiêu đảm bảo sự ổn định về nguồn nhân lực được đào tạo và tài năng trong lĩnh vực hạt nhân.
Liên quan đến vấn đề giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực khoa học, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, Giáo sư, Tiến sĩ Oleg V.Nagornov thuộc MEPhI, cho biết sinh viên Việt Nam thông minh, có tri thức và sau khi tốt nghiệp có những nghiên cứu giá trị, mở ra cơ hội tốt cho cả hai bên.