Nga thừa nhận mối đe dọa từ Iran, Triều Tiên

Ngày 24/4, Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Tướng Nikolai Makarov, đã lần đầu tiên thừa nhận về mối đe dọa hạt nhân từ Iran và CHDCND Triều Tiên.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Russia Today, Tướng Makarov nói rằng mối đe dọa hạt nhân luôn tồn tại, bởi vậy Nga đang theo dõi chặt chẽ sự phát triển tiềm năng hạt nhân của nhiều quốc gia. Nga và Mỹ đã cùng nhau tiến hành phân tích, và kết quả thu được cũng xác nhận có tồn tại mối đe dọa hạt nhân từ Iran và CHDCND Triều Tiên, do đó Nga nhất trí cần thiết phải xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD). Tướng Makarov nhấn mạnh sẽ là cực kỳ nguy hiểm đối với an ninh thế giới nếu vũ khí hạt nhân rơi vào tay các phần tử cực đoan, vì vậy Mátxcơva sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước để giải quyết vấn đề này.


 Xe chở tên lửa đạn đạo tầm trung của Triều Tiên diễu hành trong lễ duyệt binh kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành ngày 15/4. Ảnh: AFP-TTXVN


Tuyên bố trên của Tướng Makarov được đưa ra trong bối cảnh truyền thông quốc tế đưa tin Triều Tiên đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân thứ ba. Trước đó, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga cho rằng không tồn tại mối đe dọa hạt nhân đối với châu Âu và Nga từ các nước này, vì Iran và Triều Tiên chưa có đủ tiềm lực để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Liên quan tới kế hoạch của Mỹ triển khai NMD tại châu Âu, theo Tướng Makarov, Mátxcơva và Oasinhtơn còn lâu mới tìm được tiếng nói chung về vấn đề này, đồng thời tái khẳng định Nga có thể triển khai tổ hợp tên lửa Iskander tại tỉnh Kaliningrad để đáp trả việc Mỹ triển khai NMD tại châu Âu.

Oasinhtơn đang triển khai kế hoạch xây dựng NMD tại châu Âu với lý do để bảo vệ nước Mỹ và đồng minh trước nguy cơ tấn công tên lửa từ các nước như Iran và Triều Tiên, tuy nhiên Mátxcơva cực lực phản đối vì cho rằng nó đe dọa an ninh quốc gia Nga. Tại hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Nga - NATO, diễn ra tháng 11/2010 ở Lixbon (Bồ Đào Nha), Nga và NATO đã đạt thỏa thuận hợp tác xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của châu Âu, song cho đến nay Nga và Mỹ vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung về cấu trúc của lá chắn tên lửa này. Mátxcơva kiên quyết đòi tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu do Mỹ và NATO xây dựng, đồng thời yêu cầu đưa ra bảo đảm pháp lý rằng hệ thống này không nhằm chống lại Nga, song Oasinhtơn tỏ ra chưa sẵn sàng đáp ứng yêu cầu trên. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cũng đã công bố một loạt biện pháp mang tính kỹ thuật - quân sự và ngoại giao để đáp trả việc Mỹ và NATO triển khai lá chắn tên lửa gần biên giới nước Nga.

Trong khi đó, một số chuyên gia vũ khí Đức cho rằng không có bằng chứng nào để khẳng định Bình Nhưỡng sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Trong bài phân tích phổ biến trên mạng sáng 24/4, hai chuyên gia Markus Schiller và Robert Schmucker của Viện Kỹ thuật Schucker nói rằng cả sáu tên lửa mà Chính phủ Triều Tiên đưa ra giới thiệu trong buổi duyệt binh hôm 15/4 vừa qua đều là mô hình chứ không phải hỏa tiễn thật.


TTXVN/Tin tức

Tên lửa "đời mới" của Triều Tiên đều là giả ?
Tên lửa "đời mới" của Triều Tiên đều là giả ?

Hai chuyên gia quân sự của Đức ngày 24/4 khẳng định, các loại tên lửa tầm xa mới được phô diễn tại lễ duyệt binh hồi giữa tháng này của CHDCND Triều Tiên đều chỉ là mô hình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN