Theo hãng thông tấn TASS, ông Peskov đồng thời cũng nhắc lại nguyện vọng gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu là một trong những lý do khiến Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
“Chúng tôi đang theo dõi rất sát sao bước đi này. Chúng tôi nhớ rằng nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine và việc xác nhận tư cách thành viên của NATO trong tương lai là một trong những lý do khiến Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt”, ông Peskov nhấn mạnh.
Người phát ngôn Điện Kremlin cũng lưu ý hiện các quốc gia thành viên NATO có những phản ứng khác nhau trước tuyên bố của Ukraine muốn gia nhập liên minh quân sự này theo cơ chế nhanh chóng. Ông bình luận: “Có những quốc gia ủng hộ phương án gia nhập nhanh chóng, có quốc gia thì không. Với bất kỳ trường hợp nào, tất cả đều phải dựa trên quy tắc đồng thuận”.
Hôm 30/9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký thông qua đơn xin gia nhập nhanh để nước này có thể trở thành thành viên NATO trong thời gian ngắn nhất. Tuyên bố của ông Zelensky được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 30/9 ký sắc lệnh sáp nhập 4 khu vực ở Ukraine – gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia vào Nga.
Phản ứng trước động thái của Ukraine, một số nước thành viên NATO, đặc biệt là các nước Baltic - gồm Estonia, Latvia và Litva bày tỏ ủng hộ việc Ukraine nộp đơn xin gia nhập NATO và mong muốn quá trình này diễn ra “càng sớm càng tốt”.
Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã không trả lời trực tiếp khi được hỏi liệu liên minh quân sự này đã sẵn sàng để xem xét đơn xin gia nhập của Ukraine. Ông nhấn mạnh NATO vẫn kiên định với việc cởi mở đón nhận thành viên mới, nhưng lại không tỏ ý trực tiếp ủng hộ đề nghị của Ukraine. Vị lãnh đạo này nói rằng vấn đề này cần có sự đồng thuận của tất cả 30 thành viên trong liên minh.
Về phần mình, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã nói rằng Washington cam kết thực hiện chính sách mở cửa về việc kết nạp các thành viên mới vào NATO, nhưng giờ chưa phải lúc thích hợp để xem xét đơn xin gia nhập của Ukraine.
“Trong vài thập kỷ qua, chúng tôi luôn ủng hộ chính sách mở cửa của NATO. Bất cứ quyết định về tư cách thành viên của NATO đều phải có sự đồng thuận giữa 30 quốc gia thành viên và quốc gia muốn gia nhập. Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi nghĩ rằng cách tốt nhất để giúp Ukraine là thông qua hỗ trợ thực tế, còn quá trình gia nhập NATO nên được thực hiện vào một thời điểm khác”, ông Sullivan nói.