Ngày 5/3, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố quan ngại về việc quân nhân Mỹ xuất hiện tại Ukraine. Phát biểu với các phóng viên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich nói: “Có tới 300 binh lính Mỹ được cho là đã được triển khai tới một trung tâm gìn giữ hòa bình tại Lvov, khu vực phía Tây Ukraine”.
Alexander Lukashevich lưu ý rằng với việc các chuyên gia quân sự Mỹ sẽ huấn luyện cho binh sĩ Ukraine từ ngày 5/3 - 21/10, sự hiện diện quân sự của Mỹ tại quốc gia này đã trở thành một thực tế.
Ông này cũng nhấn mạnh về sự nguy hiểm trong các kế hoạch của Washington nhằm cung cấp vũ khí số lượng lớn cho Ukraine bất chấp việc Thỏa thuận Minsk đang được triển thành công. Ngoài ra, theo ông Lukashevich, Quốc hội Mỹ đang soạn thảo một dự luật cấp 1 tỷ USD cho hoạt động huấn luyện quân sự và trang bị vũ khí cho quân đội Ukraine. Hãng thông tấn Interfax dẫn lời người phát ngôn trên nói: “Dường như Washington đã quyết định bảo trợ toàn diện cho các lực lượng vũ trang Ukraine”.
Cùng ngày, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk đã thảo luận về cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại miền Đông Ukraine và những diễn biến gần đây liên quan tới các hoạt động cải cách kinh tế của quốc gia Đông Âu này.
Nhà Trắng cho rằng các tay súng li khai đang tiếp tục tấn công lực lượng Ukraine, từ chối cho phép các giám sát viên quốc tế đi vào khu vực lãnh thổ do họ kiểm soát và không cho phép nhân viên cứu trợ tới trợ giúp cho mỏ than bị nổ.
Cùng ngày, hãng thông tấn Slovakia TASR đưa tin tại Kosice, thành phố lớn nhất miền Đông Slovakia từ ngày 6-7/3 sẽ diễn ra một hội nghị hòa bình về cuộc xung đột tại Ukraine. Hội nghị nhằm thúc đẩy thỏa thuận Minsk, ký kết hôm 12/2, sẽ đón nhận các nhà hoạt động dân sự, giới học giả và chính trị gia đến từ Ukraine, Nga, Đức và Slovakia. Sự kiện trên do Diễn đàn Đức - Nga khởi xướng với sự hợp tác của Viện ASA (Phân tích-Chiến lược-Giải pháp).
TN (Theo Reuters, THX)