Theo mạng tin Zerohedge.com ngày 25/5, Moskva, đối tác thương mại lớn thứ hai của Gruzia, gần đây đã hàn gắn lại mối quan hệ với Tbilisi, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tháng này đã ký một sắc lệnh (vào ngày 10/5) chấm dứt lệnh cấm các chuyến bay trực tiếp của Nga đến Gruzia vốn có hiệu lực từ năm 2019 (sau các cuộc biểu tình lớn chống Nga).
Ngoài ra, lần đầu tiên sau hai thập kỷ, công dân Gruzia giờ đây có thể vào Nga mà không cần thị thực (tối đa 90 ngày).
Đảng Giấc mơ Gruzia cầm quyền đã hoan nghênh các động thái này, nói rằng "những người hưởng lợi là công dân của chúng tôi, những người phải đi đường vòng với chi phí cao gấp ba lần" - đề cập đến hàng trăm nghìn người Gruzia sống ở Nga.
Tbilisi trong tuần này đã đáp lại thiện chí của Moskva bằng cách chính thức cho phép các công ty lữ hành của Gruzia thực hiện các chuyến bay thường xuyên đến và đi từ Moskva.
Mặc dù Gruzia không tham gia vào các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, nhưng từ lâu họ đã cam kết không cho phép sử dụng lãnh thổ của mình để lách lệnh trừng phạt. Nhưng điều này đặt ra những vấn đề về bảo dưỡng máy bay và các bộ phận liên quan.
Do đó, Mỹ và EU đã phản ứng đối với việc nối lại các chuyến bay trên giữa Nga và Gruzia. Trong khi Phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cảnh báo về nguy cơ bị trừng phạt đối với các công ty tại các sân bay Gruzia nếu họ "phục vụ máy bay chịu sự kiểm soát xuất nhập khẩu", người phát ngôn của EU Peter Stano cũng đưa ra những lo ngại về an toàn, nói rằng "do lệnh trừng phạt, 95% máy bay Nga không thể bảo trì hoặc nâng cấp".
"EU khuyến khích Gruzia, quốc gia đang muốn trở thành ứng cử viên gia nhập EU, tuân thủ các biện pháp trừng phạt hiện có của EU đối với Nga trong lĩnh vực hàng không và chú ý đến bất kỳ nỗ lực nào có thể nhằm phá vỡ các biện pháp trừng phạt hiện có", ông Stano nói.
Trong một tuyên bố khác, người phát ngôn EU cho biết khối này "lấy làm tiếc" về quyết định nối lại các chuyến bay Gruzia-Nga, làm gia tăng lo ngại về con đường hội nhập EU của Gruzia".
Tại một cuộc phỏng vấn ở Diễn đàn Kinh tế Qatar, Thủ tướng Gruzia Irakli Garibashvil đã bác bỏ những cảnh báo trên và nói hôm 24/5: "Những gì EU giao dịch với Nga trong bốn ngày, thì chúng tôi giao dịch với Nga trong một năm. Khi nói đến các biện pháp trừng phạt kinh tế, kim ngạch thương mại của Gruzia với Nga chưa đến 1 tỷ USD một năm. Số tiền đó không thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga".
Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng lên án những lời đe dọa nhằm vào Gruzia đến từ Washington. "Không có cách nào khác ngoài việc gọi [tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ] là can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. Chúng tôi coi những tuyên bố như vậy từ Washington là sự can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền và trong mối quan hệ của họ với các nước thứ ba cũng như gây áp lực công khai".
EU hiện đang xem xét gói trừng phạt thứ 11 đối với Nga, cân nhắc bổ sung các biện pháp trừng phạt đối với các bên thứ ba bị cáo buộc tạo điều kiện cho các hoạt động phá vỡ lệnh trừng phạt của họ. Điều trớ trêu là Gruzia được coi là thân phương Tây và gần gũi với Mỹ, nhưng nếu phương Tây gây áp lực với Tbilisi bằng các biện pháp kinh tế cứng rắn thì điều này có thể nhanh chóng thay đổi.