Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg:

Nga phác thảo những đường hướng phát triển kinh tế mới

Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, ngày 16/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới dự và phát biểu tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) lần thứ 26 đang diễn ra ở "thủ đô phương Bắc" của nước Nga.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế quốc tế St-Peterburg lần thứ 26, ngày 15/6/2023. Ảnh: TTXVN phát

Trong bài phát biểu, Tổng thống Putin khẳng định nền kinh tế Nga vẫn vững vàng, bất chấp hàng chục nghìn lệnh trừng phạt. Theo ông, nền kinh tế Nga bắt đầu tăng trưởng từ quý II/2022, dù thực tế khi đó đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất. Chiến lược do cả nhà nước và doanh nghiệp của Nga lựa chọn ở thời điểm đó đã phát huy tác dụng. 

Tổng thống Putin cho rằng Nga cần phải tăng chi tiêu quốc phòng để đảm bảo an ninh của đất nước. Ông cũng dự báo rằng đến cuối năm nay, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga có thể tăng dưới 2%.

Nhà lãnh đạo Nga cho biết Điện Kremlin đã duy trì một chính sách tiền tệ và ngân sách cân bằng có trách nhiệm. Điều này đã giúp Nga đạt được các chỉ số thất nghiệp và lạm phát tối thiểu. Tỷ lệ lạm phát thấp hơn so với nhiều nước phương Tây - cả ở Khu vực đồng euro và các khu vực khác - và gần với mức tối thiểu lịch sử 2,9%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,3%. Trước đó, Tổng thống Putin dự đoán lạm phát ở Nga vào cuối năm nay sẽ là khoảng 5%. Theo ông, đây là mức bình thường đối với nền kinh tế Nga. Ông cho biết hiện tại thâm hụt ngân sách liên bang “không lớn”, song phần lớn là do việc dịch chuyển kế hoạch chi tiêu sớm lên.

Theo Tổng thống Putin, Nga kiên định với các nguyên tắc phát triển kinh tế đã đề ra. Thực tế cho thấy Nga đã duy trì được sự ổn định của nền kinh tế, đồng thời giữ được vị thế là một phần của thị trường toàn cầu. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh những thay đổi trên toàn thế giới là chủ đạo và không thể đảo ngược, điều đó có nghĩa là Nga cần một chính sách kinh tế chủ động, chuyển đổi sang một cấp độ phát triển mới – đó là một nền kinh tế trọng cung. Một nền kinh tế như vậy đòi hỏi phải xây dựng lực lượng sản xuất trên quy mô lớn, củng cố cơ sở hạ tầng, phát triển công nghệ tiên tiến và tạo ra năng lực công nghiệp. Để làm được điều này, Tổng thống Putin lưu ý cần phải giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân sự và hướng đầu tiên trong sự phát triển của nền kinh tế trọng cung là việc làm.

Tổng thống Nga nhấn mạnh: “Chúng ta có những nguồn dự trữ khổng lồ, chúng ta cần sử dụng những nguồn này”. Theo ông, ở mọi thành phố, thị trấn và khu vực, người dân đều rất cần cơ hội việc làm. Điều quan trọng là cung cấp cho người dân nhiều cơ hội hơn để họ có thể tham gia, kể cả trong lĩnh vực công nghệ thông tin hoặc các lĩnh vực kỹ thuật khác. Ngoài ra, ông cũng lưu ý cần phải tăng cường phát triển năng lực để làm việc trong môi trường làm việc từ xa.

Duy Trinh - Quang Vinh (TTXVN)
Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg thảo luận việc thúc đẩy quan hệ EAEC - ASEAN
Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg thảo luận việc thúc đẩy quan hệ EAEC - ASEAN

Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ St. Petersburg, ngày 15/6, tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) lần thứ 26 ở thủ đô phương Bắc của nước Nga đã diễn ra phiên đối thoại kinh doanh giữa Cộng đồng Kinh tế Á - Âu (EAEC) và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN