Kênh truyền hình RT đưa tin Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov khẳng định các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga liên quan đến xung đột Ukraine đang gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế châu Âu, trong khi Mỹ là bên duy nhất thu lợi nhuận từ những cấm vận đó.
Phát biểu với nhật báo Asharq News, Bộ trưởng Siluanov tuyên bố các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã giúp Mỹ đạt được những gì họ muốn, đồng thời gia tăng nguồn cung cấp dầu và khí đốt của Washington trên thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, các chuyến hàng năng lượng từ Mỹ lại có phần đắt đỏ đối với người dân châu Âu, dẫn đến lạm phát tăng vọt và giảm sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp châu Âu,
Theo Bộ trưởng Tài chính Nga, các vòng trừng phạt của phương Tây cùng vụ nổ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 (Nord Stream 1 và 2) vào cuối tháng 9 đều được dàn dựng để Mỹ cung cấp dòng khí đốt hoá lỏng (LNG) giá cao cho châu Âu.
Điện Kremlin đã gọi vụ phá hoại hai đường ống Nord Stream là hành động tấn công khủng bố, đồng thời tố cao Mỹ là bên được hưởng lợi nhiều nhất từ các vụ nổ. Trong khi Washington phủ nhận mọi liên quan, Ngoại trưởng Antony Blinken đánh giá vụ việc trên là một cơ hội to lớn để châu Âu từ bỏ phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.
Ông Siluanov cũng thừa nhận rằng các biện pháp trừng phạt đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga. “Nhưng chúng đã gây ra cho phương Tây không ít và có lẽ còn nhiều đau đớn hơn”, ông nói thêm.
Bộ trưởng Nga lưu ý rằng mức giá trần của phương Tây đối với dầu của Nga chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng bóp méo thị trường và giá cả. Ông khẳng định Moskva sẽ không cung cấp dầu thô thông qua các hợp đồng áp dụng lệnh áp giá trần của phương Tây.
Ông Siluanov cho biết các công ty dầu mỏ của Nga đang định tuyến lại dòng chảy của họ từ phương Tây theo các hướng khác.
Đầu tháng này, Liên minh châu Âu (EU), các nước Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Australia đã đưa ra giới hạn giá đối với dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng. Theo đó, các công ty phương Tây bị cấm cung cấp bảo hiểm và các dịch vụ khác cho các lô hàng dầu thô của Nga, trừ khi hàng hóa được mua ở mức giá quy định hoặc thấp hơn.
Sau động thái này, Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo rằng các lệnh giới hạn trên sẽ tàn phá thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Theo hãng tin TASS của Nga, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết để đối phó với việc áp trần giá dầu, Moskva có kế hoạch cấm cung cấp dầu và các sản phẩm dầu cho các nước yêu cầu tuân thủ quyết định áp trần giá dầu trong hợp đồng.
Ngoài ra, Nga có thể cắt giảm sản lượng dầu tới 7% trong đầu năm 2023. Mức cắt giảm có thể từ 500.000 - 700.000 thùng/ngày, tương đương với 5 - 7% tổng sản lượng khai thác của Nga. Ông khẳng định Moskva sẽ không giao dịch dựa trên các điều khoản về mức trần giá dầu.
Phó Thủ tướng Nga nhận định thế giới đang có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng trong 5 - 10 năm tới do các công ty dầu mỏ và khí đốt phương Tây ít đầu tư trong lĩnh vực này. Hệ quả của việc suy giảm đầu tư là trong tương lai, EU sẽ không có đủ nguồn lực năng lượng và thế giới sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt và một đợt khủng hoảng mới.