Nga, Mỹ tìm cơ chế giám sát ngừng bắn tại Syria

Chủ đề chính của cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry ngày 25/4 là đảm bảo lệnh ngừng bắn giữa lực lượng chính phủ và phe đối lập tại Syria được tuân thủ.

Binh sĩ quân đội chính phủ tuần tra tại làng Khan Tuman, ngoại ô thành phố Aleppo. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga đưa ra cùng ngày cho biết ngoại trưởng hai nước tiếp tục xem xét cách thức phối hợp giữa Moskva và Washington nhằm duy trì và củng cố lệnh ngừng bắn tại Syria, đảm bảo nguồn viện trợ nhân đạo cho người dân, cũng như khởi động một quá trình ổn định cho một giải pháp chính trị tại quốc gia Trung Đông này.

Bên cạnh đó, hai nhà ngoại giao cũng nhấn mạnh hoàn toàn ủng hộ các cuộc đàm phán giữa chính quyền Syria và phe đối lập diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) do Liên hợp quốc làm trung gian nhằm xác định nguyên tắc của cơ chế nhà nước Syria trong tương lai.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết trong suốt cuộc điện đàm theo sáng kiến từ phía Mỹ, hai nhà ngoại giao chủ yếu tập trung thảo luận việc chấm dứt chiến sự ở Syria, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về vấn đề "giám sát thường xuyên" việc tuân thủ các điều kiện ngừng bắn giữa lực lượng chính phủ và phe đối lập ở quốc gia Trung Đông này.

Ông Kirby cho rằng cả phe đối lập lẫn lực lượng quân đội Syria phải có trách nhiệm tuân thủ quy chế ngừng bắn. Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định Washington và Moskva đều có trách nhiệm giám sát lệnh ngừng bắn, cũng như mong muốn để việc chấm dứt chiến sự ở quốc gia Trung Đông này được tất cả các bên kiểm soát. Theo ông Kirby, hiện Mỹ đang làm việc với các nhóm đối lập có ảnh hưởng và với các quốc gia đang duy trì tiếp xúc với các nhóm khác bên trong Syria để lệnh ngừng bắn được tôn trọng.

Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria do Nga và Mỹ làm trung gian bắt đầu có hiệu lực từ lúc 0 giờ ngày 27/2 giờ địa phương (tức 5 giờ sáng cùng ngày giờ Việt Nam). Thỏa thuận ngừng bắn liên quan đến chính phủ và các nhóm đối lập - nhưng không bao gồm tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng hay nhóm Mặt trận Nusra có liên hệ với Al-Qaeda. Gần 100 phe nhóm đối lập với chính quyền Syria đã đồng ý tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn.

Tuy nhiên, dư luận quốc tế đang lo ngại lệnh ngừng bắn tạm thời tại Syria có nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn, sau khi cả phía quân đội chính phủ và phe đối lập những ngày qua cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Nhóm đối lập Hijab đã kêu gọi các ngoại trưởng Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria đánh giá lại lệnh ngừng bắn vì rõ ràng nó đã không còn hiệu lực.

Cuộc xung đột kéo dài gần 6 năm qua tại Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 270.000 người và khiến hàng triệu người khác phải rời bỏ quê hương đi tị nạn, gây ra cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ tại châu Âu. Cho đến nay, các cuộc đàm phán hòa bình Syria đều chưa đem lại kết quả tích cực, chủ yếu do các bên vẫn bất đồng về tương lai chính trị của Tổng thống Bashar Al Assad.

Phe đối lập yêu cầu ông Assad phải từ chức để mở đường cho việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp, trong khi phía Chính phủ Syria khẳng định sẽ chỉ chấp nhận thành lập một chính phủ mở rộng và do Tổng thống Assad đứng đầu.

TTXVN/Tin Tức
Phái đoàn chính phủ Syria rút khỏi Geneva
Phái đoàn chính phủ Syria rút khỏi Geneva

Phái đoàn đàm phán của chính phủ Syria ngày 25/4 đã rời Geneva (Thụy Sĩ) với cáo buộc các nhóm phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia hậu thuẫn phải chịu trách nhiệm trước tình hình bạo lực leo thang hiện nay ở Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN