Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. AFP/TTXVN. |
Ông Lavrov nêu rõ: "Chắc chắn, hiện có cơ hội tốt để xem xét tình hình xung quanh Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) về chương trình hạt nhân Iran. Chúng tôi rất lo lắng về tình hình này và muốn thảo luận một cách thực chất".
Quan điểm của ông Lavrov được đưa ra sau khi người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, nếu không có JCPOA, sẽ không có cơ sở tiếp tục đối thoại về thỏa thuận hạt nhân Iran. Quan chức này nêu rõ: "Điểm chính là không thể vi phạm thỏa thuận này, nếu không sẽ không có cơ sở cho việc tiếp tục những liên lạc, tiếp tục đối thoại".
Về phần mình, Ngoại trưởng Zarif cho biết Tehran muốn tiếp tục đối thoại với Moskva về thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông Zarif cũng cho rằng đòi hỏi của Tổng thống Mỹ Donald Trump về sửa đổi thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với các cường quốc là không thể chấp nhận.
Theo thỏa thuận mang tên Kế hoạch Hành động Toàn diện chung ký ngày 14/7/2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), Tehran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của quốc tế liên quan chương trình hạt nhân của nước này.
Tuy nhiên, ông Trump đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử này và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt. Nhà lãnh đạo Mỹ yêu cầu soạn hiệp định bổ sung cho thỏa thuận hạt nhân với Iran, hoặc soạn thảo một cơ chế khác cho phép loại bỏ quan ngại của Washington bằng các hoạt động cụ thể của Tehran.
Ông Trump thậm chí mới đây tuyên bố nếu các đồng minh châu Âu không sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran trước ngày 12/5 tới, ông sẽ từ chối kéo dài các biện pháp nới lỏng trừng phạt đối với Iran.
Cho đến nay, Iran nhiều lần khẳng định sẽ không đàm phán lại, và sẽ tái khởi động chương trình hạt nhân nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015.