Nga là ‘mỏ’ Bitcoin lớn thứ ba thế giới, Trung Quốc mất ngôi số 1

Nước Nga đã nổi lên là “mỏ” đào Bitcoin lớn thứ ba trên thế giới, chiếm thị phần 11,23% trong tổng sức mạnh giải thuật toán tiền số của các “thợ mỏ”.

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ - Pixels

Kênh truyền hình RT dẫn báo cáo của Đại học Cambridge mới đây cho hay khả năng đào Bitcoin của “thợ mỏ” ở Nga đã tăng gần 30% so với số liệu năm 2020. 

Mỹ vẫn quốc gia dẫn đầu cuộc đua này với 35,4% và vị trí thứ hai thuộc về Kazakhstan với 18,1%. Trong khi truyền thông nhấn mạnh thông tin Mỹ vượt qua Trung Quốc trở thành trung tâm đào tiền số Bitcoin dẫn đầu, sự gia tăng của Nga hầu như không được chú ý đến. 

Sau khi Trung Quốc áp đặt lệnh cấm sâu rộng đối với các hoạt động liên quan đến tiền số từ cuối tháng 5, những người khai thác đã phải từ địa bàn này sang phân tán khắp toàn cầu. 

Trước đó, Trung Quốc là trung tâm khai thác Bitcoin lớn nhất, chiếm 75% “sản lượng” Bitcoin năm 2019, sau đó giảm xuống còn khoảng 50% vào năm 2020 và 44% vào tháng 5/2020. Sau khi lệnh cấm có hiệu lực, khả năng giải thuật toán, hay còn gọi là tỷ lệ băm, của Trung Quốc đã giảm xuống bằng 0 vào tháng 7.

Theo RT, chi phí năng lượng tương đối thấp của Nga cùng khí hậu mát mẻ ở các vùng Viễn Đông dường như đã thu hút những người khai thác Bitcoin, và thậm chí cho phép các công ty sử dụng nguồn điện dư thừa để hưởng lợi từ giá Bitcoin tăng vọt vào đầu năm nay. Tuy nhiên, việc khai thác bất hợp pháp này đã kéo theo nhiều lo ngại. 

Trong lá thư gửi cho Bộ Năng lượng vào cuối tháng 9, ông Igor Kobzev - Thống đốc vùng Irkutsk của Nga - đã phàn nàn về tốc độ tăng trưởng nhanh như tuyết lở hoạt động khai thác tiền số trái phép.

“Phân tích tình hình cho thấy mức tiêu thụ năng lượng tăng từ việc khai thác tiền số đã ảnh hưởng đến mức thuế của người dân. Điều này càng trở nên trầm trọng hơn sau khi chính quyền Trung Quốc cấm khai thác, khiến một lượng lớn thiết bị được di dời từ đây sang vùng Irkutsk”, Thống đốc Kobzev viết. 

Ông nhấn mạnh lượng tiêu thụ điện tại khu vực Irkutsk năm 2021 sẽ tăng 159% so với năm ngoái. Vấn nạn về những trung tâm “đào” Bitcoin trái phép đã được Bộ Năng lượng Nga lên tiếng thừa nhận.

Hoạt động khai thác Bitcoin đòi hỏi phải có hệ thống máy tính mạnh, tiêu hao nhiều điện năng. Theo Chỉ số tiêu thụ điện của Bitcoin mà Cambridge thực hiện, việc khai thác Bitcoin có thể tiêu tốn lượng điện năng tương ứng với 0,45% sản lượng điện toàn cầu, tương đương với sản lượng điện của một quốc gia như Philippines sản xuất được.

Năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký điều luật cho phép công dân mua và bán tiền số. Động thái này đã đưa thị trường tiền số ra khỏi “vùng xám” trong luật tài chính. Tuy nhiên, điều luật này không công nhận tiền số là tiền tệ hợp pháp, đồng thời cấm các doanh nghiệp chấp nhận quy đổi tiền số ngang bằng với đồng rubble Nga. 

Ngân hàng Trung ương Nga hồi đầu năm nay đã cảnh báo người dân tránh xa giao dịch tiền số với giải thích rằng nó luôn có rủi ro, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư mới. 

Thị trường tiền số đã chứng kiến giá trị tài sản tăng lên mức cao chưa từng có vào đầu năm nay song sau đó trải qua một loạt sự cố khiến các khoản đầu tư bị xóa sổ. Hiện Bitcoin đang tăng trở lại, vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 5 ở mức 60.000 USD/đồng vào ngày 15/10. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo sự gia tăng này có thể gây ra một đợt bán tháo khác trong tương lai gần.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Hải quân Iran đọ súng kịch liệt với cướp biển nhằm vào tàu chở dầu trên Vịnh Aden
Hải quân Iran đọ súng kịch liệt với cướp biển nhằm vào tàu chở dầu trên Vịnh Aden

Truyền thông Iran đưa tin, một tàu hải quân của Iran ngày 16/10 đã vô hiệu hóa thành công một vụ tấn công cướp biển nhằm vào một tàu chở dầu của nước này trên Vịnh Aden sau một vụ đọ súng kịch liệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN