Nhiều nước chuyển sang chiến lược “sống chung với COVID-19”
Trong bối cảnh số ca mắc giảm và tỷ lệ tiêm vaccine ngày càng cao, nhiều nước trên thế giới đang điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, từ “zero COVID-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, nhằm mở cửa trở lại nền kinh tế, đưa cuộc sống từng bước ổn định ở trạng thái “bình thường mới”.
Tại Thái Lan, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha thông báo từ ngày 1/11 tới, nước này sẽ mở cửa hoàn toàn cho du khách đã tiêm đầy đủ vaccine phòng COVID-19 đến bằng đường hàng không từ 10 quốc gia được coi là có nguy cơ bùng phát dịch bệnh thấp. Trong danh sách này có Anh, Mỹ, Trung Quốc, Đức và Singapore.
Singapore và Malaysia cũng đã tiết lộ kế hoạch mở cửa trở lại biên giới sau khi tuyên bố từ bỏ chiến lược “zero COVID-19” và quyết định sống chung với dịch bệnh. Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết từ 11/10 nước này sẽ chấm dứt hạn chế di chuyển nội địa và quốc tế đối với người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19. Quyết định được đưa ra sau khi Malaysia hoàn thành mục tiêu tiêm đủ vaccine COVID-19 cho 90% người trưởng thành.
Tương tự, Singapore tuyên bố sẽ mở rộng Chương trình Hành lang du lịch cho khách đã tiêm đủ liều vaccine (VTL), mở cửa đường biên giới và không yêu cầu cách ly với những người đã tiêm đủ vaccine từ 9 nước gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Italy, Đan Mạch, Hà Lan và Tây Ban Nha từ ngày 19/10 tới đây.
Trong khi đó, tại Australia, từ ngày 11/10, chính quyền bang New South Wales đã áp dụng quy định giảm thời gian tự cách ly đối với những người tiếp xúc gần với các ca mắc COVID-19. Các quy định mới nêu rõ người có tiếp xúc gần, nếu đã tiêm đủ hai mũi vaccine, sẽ được yêu cầu xét nghiệm và tự cách ly trong 7 ngày, thay vì 14 ngày như hiện nay.
Khi biến thể Delta hoành hành, chiến lược nhổ tận gốc COVID-19 ở New Zealand đã “vỡ trận” với số ca mắc hàng ngày ở hai con số. Thủ tướng Jacinda Ardern buộc phải thừa nhận: “Trở lại thời điểm không có ca bệnh là điều khó khăn không tưởng”. Bà đã thông báo cách thức chống dịch mới, dần dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa.
Nhằm tiến tới dỡ bỏ các hạn chế và mở cửa lại nền kinh tế, hôm 13/10, Hàn Quốc cũng đã thảo luận về chiến lược sống chung với COVID-19 trong dài hạn. Thủ tướng Kim Boo-kyum nhấn mạnh chính phủ sẽ xác định COVID-19 là căn bệnh truyền nhiễm được kiểm soát chứ không phải căn bệnh lạ đáng lo ngại, từ đó dần khôi phục cuộc sống của người dân. Hàn Quốc dự định nới lỏng những hạn chế đối với những công dân được chứng nhận đã hoàn thành việc tiêm chủng, đồng thời khuyến khích các bệnh nhân không triệu chứng và có triệu chứng nhẹ dưới 70 tuổi phục hồi tại nhà.
Ngày 20/9, Mỹ thông báo từ tháng 11 tới sẽ dỡ bỏ hạn chế đi lại bằng đường hàng không tới 33 quốc gia, áp dụng với những người đã tiêm phòng vaccine đầy đủ. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, các du khách quốc tế có giấy chứng nhận tiêm các loại vaccine ngừa COVID-19 đã được các cơ quan quản lý Mỹ hoặc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép.
Có thể khẳng định sống chung với dịch bệnh sẽ là xu hướng chủ đạo và tất yếu trên thế giới. "Sống chung" sẽ giúp các chính phủ đạt được nhiều mục tiêu cùng lúc thay vì phải hy sinh lợi ích kinh tế như chiến lược “Zero COVID-19”. Tuy nhiên, sống chung không có nghĩa là không có chiến lược phòng chống dịch bệnh mà phải đi kèm với an toàn.
Khủng hoảng năng lượng bao trùm toàn cầu
Trong những tháng gần đây, hàng loạt diễn biến tiêu cực đối với an ninh năng lượng ở nhiều quốc gia đã diễn ra, tạo nên mối nguy khan hiếm năng lượng nghiêm trọng, nhất là vào thời điểm sắp bước vào mùa đông với nhu cầu năng lượng lớn nhất trong năm. Nổi bật có thể kể đến như việc Trung Quốc đã bắt đầu phải cắt điện luân phiên; các nhà máy tại Ấn Độ đang chật vật tìm nguồn nhiên liệu than; giá nhiên liệu tăng vọt tại châu Âu, Đông Á, Mỹ...
Tại châu Âu, khí đốt thiên nhiên đang được giao dịch ở mức 230 USD/thùng, tăng hơn 130% kể từ đầu tháng 9 và tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các tổ chức ủng hộ người tiêu dùng châu Âu đang kêu gọi cấm cắt nguồn năng lượng nếu khách hàng chưa thể ngay lập tức trả nợ hóa đơn.
Giá năng lượng tăng cao cũng xảy ra nghiêm trọng tại khu vực Đông Á, nơi giá khí đốt tăng 85% kể từ đầu tháng 9. Điển hình tại Trung Quốc, khi nhu cầu khí đốt thiên nhiên hóa lỏng ngày càng gia tăng, thị trường toàn quốc đã không thể lấp đầy các khoảng trống và tình hình ngày càng tồi tệ hơn khi nhiều quốc gia xuất khẩu khí đốt trên thế giới đang có xu hướng giảm xuất khẩu. Tại Nhật Bản, giá điện tuần này đang ở mức cao nhất 9 tháng do đà tăng giá nhiên liệu trên toàn cầu. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường điện trị giá 150 tỷ USD của nước này.
Việc tăng giá là lẽ tất yếu khi nguồn cung khan hiếm. Dẫu vậy, mức tăng giá ở khu vực châu Á vẫn thấp hơn nhiều so với Mỹ. Dù là nước xuất khẩu ròng khí đốt thiên nhiên, song Mỹ vẫn đang ghi nhận mức tăng giá tới 47% từ đầu tháng 8-mức tăng cao nhất trong 13 năm qua. Đối với dầu, Mỹ cũng ghi nhận mức tăng cao nhất trong 7 năm qua và dự báo mùa đông sắp tới sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Giá năng lượng cao hơn cũng làm tăng thêm áp lực lạm phát, cùng với việc cắt điện có thể dẫn đến hoạt động công nghiệp giảm và sự phục hồi kinh tế chậm lại. Các nhà phân tích chỉ ra rằng kinh tế toàn cầu vốn đã suy yếu trong gần 2 năm chống chọi với đại dịch COVID-19, đến nay, việc giá năng lượng tăng cao tất yếu sẽ gây nên lạm phát và thời kỳ khủng hoảng này sẽ ngày càng tồi tệ hơn.
Trong khi đó, các chính phủ hiện chỉ có thể áp dụng những biện pháp mang tính cục bộ, chưa ở mức hệ thống đồng bộ để đối phó với mối nguy chung hiện hữu. Một trong những biện pháp phổ biến nhất hiện đang được các nước áp dụng là nỗ lực kiềm chế mức tăng phi mã chi phí tiêu thụ năng lượng.
Để thế giới tìm được giải pháp căn cơ trước những thách thức hiện nay là điều không dễ dàng và không thể thực hiện trong “một sớm, một chiều”. Giới chuyên gia dự báo, sẽ cần phải có những cuộc cải cách, cải tổ thị trường sâu, rộng khắp từ cấp quốc gia, khu vực đến toàn cầu trong thời gian tới.