Lý do tiêm cùng loại vaccine COVID-19, tỷ lệ tử vong ở các nước lại chênh lệch lớn

Hầu hết các nền kinh tế phát triển đang tiêm phòng COVID-19 tỉ lệ cao với một số loại vaccine hiệu quả nhất. Nhưng vì sao những đợt bùng phát dịch mới nhất lại có tỉ lệ tử vong cao hơn ở một số nơi so với những nơi khác?

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bucharest, Romania. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù rõ ràng vaccine đã làm giảm tỷ lệ tử vong trong các làn sóng dịch gần đây do biến thể Delta, so với những làn sóng trước, nhưng một số quốc gia đã chứng kiến số ca tử vong ở mức độ cao hơn những quốc gia khác. Đó là một hiện tượng mà các nhà khoa học vẫn chưa có câu trả lời.

Theo phân tích của Bloomberg - sử dụng dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, những quốc gia như Đức, Đan Mạch và Anh đã chứng kiến số ca tử vong do COVID-19 giảm mạnh, chỉ bằng 1/10 so với mức đỉnh trước đây. Còn tại Israel, Hy Lạp và Mỹ, số ca tử vong giảm nhưng vẫn ở mức hơn một nửa so với những mức cao nhất trước đây.

Bloomberg đã tập trung xem xét sự khác nhau về tỉ lệ tử vong ở các nền kinh tế mạnh, đã tiêm chủng cho hơn 55% dân số, bằng các loại vaccine do phương Tây sản xuất như Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca – có tỷ lệ hiệu quả trong khoảng 60-90% chống lại nhiễm biến thể Delta có triệu chứng. Và có một điều rõ ràng là không chỉ loại vaccine hay phạm vi tiêm chủng mới có vai trò làm giảm số người tử vong.

Phân tích của Bloomberg đã đưa ra những lý do khiến tỉ lệ tử vong khác nhau ở các nước tiêm cùng loại vaccine và có tỉ lệ tiêm chủng cao.

Khoảng cách thời gian giữa các mũi tiêm

Một số nơi có tỉ lệ tử vong thấp hơn đã áp dụng hai mũi tiêm cách xa nhau hơn so với khoảng thời gian từ 3-4 tuần thường được áp dụng trên khắp thế giới. Quyết định của Anh vào tháng 12/2020 cho phép kéo dài khoảng cách 12 tuần giữa các mũi vaccine AstraZeneca để nhiều người hơn có thể được tiêm mũi đầu tiên - từng gây tranh cãi vào thời điểm đó - hiện đã được các nhà khoa học xác nhận là mang lại hiệu quả bảo vệ mạnh mẽ hơn.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Manaus, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN

Đan Mạch và Đức cũng phê chuẩn quyết định kéo dài khoảng cách giữa hai mũi tiêm, cho phép tối đa 12 tuần giữa các mũi AstraZeneca ở Đức và 6 tuần với mũi Pfizer/BioNTech ở Đan Mạch. Hiệu quả kết hợp của hai mũi tiêm dường như mạnh hơn khi mũi thứ hai được tiêm sau khi hệ miễn dịch của cơ thể đã phản ứng hoàn toàn với mũi tiêm đầu tiên – quá trình này thường mất hơn 1 tháng.

Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota ở Minneapolis (Mỹ), cho biết quyết định kéo dài khoảng cách hai mũi tiêm của Anh và Canada “là một thử nghiệm tự nhiên của miễn dịch học”. Cách tiêm đó “có thể đã tạo phản ứng tốt hơn nhiều vì chúng ta biết về mặt miễn dịch học rằng hệ miễn dịch của con người có thể được chuẩn bị tốt hơn nhiều cho liều thứ hai, nếu chúng ta đợi đến khi toàn bộ quá trình hoàn tất”.

Đi sau lại có lợi

Yếu tố tiếp theo là sự tác động lẫn nhau phức tạp của các chiến dịch tiêm chủng và biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao. Được phát hiện lần đầu tiên vào năm ngoái ở Ấn Độ, biến thể này đã tàn phá quốc gia đông dân thứ hai thế giới trong mùa Xuân trước khi xâm nhập các nền kinh tế phát triển vào khoảng giữa năm nay.

Theo các chuyên gia như Hitoshi Oshitani, một nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tai Đại học Tohoku (Nhật Bản), các quốc gia đã tiêm chủng COVID-19 nhanh nhất như Israel và Mỹ có thể đã có lá chắn tiêm chủng yếu hơn đúng vào thời điểm biến thể Delta tấn công, vì khả năng miễn dịch nhờ vaccine lúc này đã suy yếu đi.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Ramat Gan, Israel, ngày 19/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Nghiên cứu hiện đã xác nhận rằng trong số hai nhóm người tiếp xúc với biến thể Delta, nhóm thuần tập được tiêm chủng trước 5 tháng có tỷ lệ nhiễm trùng đột phá có triệu chứng cao hơn 50% so với nhóm tiêm sau.

Chuyên gia Oshitani nói: “Với việc miễn dịch giảm dần, bạn càng bắt đầu tiêm chủng sớm thì càng dễ bị nhiễm trùng đột phá sau đó. Đây có lẽ là lý do tại sao chúng ta chứng kiến tỉ lệ ca nhiễm và tỉ lệ tử vong /dân số cao tại Israel”.

Ngược lại, các quốc gia châu Âu đi chậm hơn trong việc triển khai rộng rãi chiến dịch tiêm chủng (bắt đầu tiêm một lượng lớn vào mùa xuân 2021), chỉ vài tháng trước khi biến thể Delta bắt đầu lây lan, và khả năng miễn dịch trong dân số vẫn còn duy trì tốt để giúp họ đề kháng trước biến thể mới.

Tập trung vào người cao tuổi

Đan Mạch không chứng kiến một làn sóng ca mắc hoặc tử vong mới lớn nào kể từ khi triển khai tiêm chủng, và quốc gia này hiện đã dỡ bỏ tất cả các hạn chế trong nước. Các quan chức cho biết, việc tập trung vào tiêm chủng cho người cao tuổi trước tiên đã giúp giảm thiểu số người chết. Tỷ lệ tử vong trung bình trong 7 ngày, vốn chưa bao giờ vượt trên 36 ca, sau chiến dịch tiêm chủng còn giảm 9% so với mức đỉnh trước đó.

Soren Brostrom, lãnh đạo Cơ quan Y tế Đan Mạch nói: “Ngay từ đầu đại dịch chúng tôi đã có thể kiểm soát COVID-19 ở người cao tuổi, đặc biệt là người sống tại các viện dưỡng lão và công dân cao tuổi sống tại nhà riêng”.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Ishoj, Đan Mạch, ngày 27/12/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tập trung vào người già cũng giúp Nhật Bản giảm tỉ lệ tử vong. Quốc gia này hiện đã tiêm chủng cho khoảng 90% cư dân trên 65 tuổi và hiệu quả của điều đó thể hiện rõ ràng khi biến thể Delta gây ra làn sóng lây nhiễm kỷ lục hồi tháng 8. Trong làn sóng này, tỉ lệ tử vong đã giảm 43% so với mức đỉnh trước, mặc dù ca nhiễm tăng gấp 2,5 lần.

Nhật Bản là quốc gia có dân số già nhất thế giới, và biến thể Delta có thể đã gây ra làn sóng chết chóc hơn nếu như chương trình tiêm chủng không dành ưu tiên cho người cao tuổi.

Khả năng miễn dịch tự nhiên

Làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta trong mùa hè ở Nhật Bản cũng chỉ ra một nhân tố bí ẩn, phức tạp khác: khả năng miễn dịch tự nhiên trong dân số sau những làn sóng dịch trước.

Nhờ các biện pháp kiểm soát hiệu quả, các quốc gia châu Á cơ bản tránh được kịch bản tồi tệ của đại dịch trong giai đoạn trước biến thể Delta, đồng nghĩa họ có thể dễ bị tổn thương hơn trước biến thể này. Đây cũng là mối lo ngại khiến những nơi như Trung Quốc đại lục duy trì chính sách “Zero Covid” và không mở cửa biên giới.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Aichi, Nhật Bản, ngày 24/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, những làn sóng dịch trước biến thể Delta có thể đã giúp một số quốc gia được tiêm phòng cao chống chọi tốt hơn với biến thể này.  Một ví dụ là ở Nam Mỹ, khu vực bị tàn phá bởi biến thể Gamma và Lambda vào đầu năm nay, đã chứng kiến tác động hạn chế hơn từ Delta do người dân đã có khả năng miễn dịch nhất định từ các đợt lây nhiễm trước, cộng thêm việc tiêm vaccine hoạt động như một hàng rào miễn dịch tăng cường.

Hành động của người dân

Một yếu tố ảnh hưởng quan trọng nữa là hành động của người dân. Chuyên gia Spencer Fox, tại Đại học Texas (Mỹ), cho rằng: “Nếu những người chưa tiêm phòng ở một quốc gia vẫn hành động như bình thường, trong khi người dân chưa được tiêm ở nước khác thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiêm túc, ta sẽ thấy những kết quả rất khác nhau”.

Tâm lý phản kháng của người Mỹ đối với các biện pháp phong tỏa và sự phục hồi nhanh chóng hoạt động đi lại, di chuyển trong nửa đầu năm 2021 có thể đã góp phần khiến tỉ lệ người chết vì biến thể Delta ở nước này cao hơn so với ở các nước châu Âu.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Bloomberg)
Tiêm vaccine mRNA tăng cường sau mũi vaccine của J&J giúp kháng thể mạnh hơn
Tiêm vaccine mRNA tăng cường sau mũi vaccine của J&J giúp kháng thể mạnh hơn

Theo dữ liệu của Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ (NIH), người đã được tiêm vaccine một mũi duy nhất của hãng Johnson & Johnson (J&J) sẽ có phản ứng miễn dịch mạnh hơn nếu được tiêm mũi bổ sung bằng một vaccine theo công nghệ mRNA.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN