Theo hãng thông tấn TASS, tại một diễn đàn quốc tế hôm 25/4, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nga Denis Manturov tuyên bố Moskva mong muốn thúc đẩy giao dịch bằng đồng nội tệ với các quốc gia BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), SCO (Tổ chức Hợp tác Thượng Hải) và EAEU (Liên minh Kinh tế Á-Âu).
Ô ng Manturov cho biết vào năm ngoái, kim ngạch thương mại của Nga với các thành viên EAEU, BRICS và SCO đã tăng lên 38%. Đồng thời, ông tiết lộ thêm rằng tất cả các thỏa thuận hợp tác của các liên minh này chiếm khoảng một nửa nền kinh tế toàn cầu.
Ông Manturov nhấn mạnh tình trạng siêu lạm phát, tăng giá hàng hóa ở châu Âu và Mỹ, cùng ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này đối với ngành công nghiệp và nền kinh tế cho thấy sự cần thiết phải chuyển dịch nhanh chóng khỏi đồng USD và Euro, hướng tới sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch thương mại với các quốc gia thành viên.
“Những gì đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu và thế giới hiện nay thúc đẩy chúng ta phải điều chỉnh hợp tác sản xuất và hậu cần, theo hướng phát triển nền kinh tế của mỗi quốc gia”, ông Manturov nói. Ông cho rằng việc chuyển đổi sang sử dụng đồng nội tệ cho phép các quốc gia “trở nên độc lập trong các giao dịch nội bộ giữa các nước thành viên”.
Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nga cũng cho biết Moskva nhận thấy triển vọng hợp tác với Uzbekistan trong các lĩnh vực dược phẩm, sản xuất xe hơi, nông nghiệp và chế tạo máy thực phẩm, cũng như phân bón. Ông nói thêm rằng Nga cũng quan tâm đến việc cung cấp các sản phẩm hợp tác sản xuất cùng Uzbekistan cho các đối tác của nước này - như Pakistan, Afghanistan và các quốc gia khác.
Ngày 25/4, Tổng thống Vladimir Putin cho biết nền kinh tế Nga đã ổn định sau khi bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ liên quan đến chiến dịch đặc biệt ở Ukraine. Phát biểu trong một cuộc họp chính phủ phát sóng trên truyền hình, ông nói: “Nền kinh tế Nga tiếp tục ổn định. Lạm phát đã chậm lại, tốc độ tăng giá hàng tuần đã tiệm cận mức bình thường và giá một số mặt hàng đã bắt đầu giảm”.
Ông Putin nói thêm rằng điều này do hai yếu tố: giá trị đồng ruble tăng lên theo hướng tích cực và nhu cầu tiêu dùng. Ông nêu rõ: “Sau khi tăng đột biến trong tháng 2 và 3, có một sự sụt giảm khách quan trong hoạt động tiêu dùng”.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch trên tại Ukraine ngày 24/2, Moskva đã phải hứng chịu một loạt lệnh trừng phạt quốc tế, bao gồm các lệnh cấm vận đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt, làm tăng tốc độ lạm phát vốn đã cao. Mặc dù ông Putin nói rằng nền kinh tế Nga đã vượt qua các lệnh trừng phạt, song các nhà kinh tế cho rằng tác động tồi tệ nhất đối với nền kinh tế Nga vẫn sẽ xảy ra.
Trước đó, Nga đã ban hành một sắc lệnh mới yêu cầu “các quốc gia không thân thiện” phải thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng nội tệ của nước này. Những quốc gia không thân thiện bao gồm tất cả các nước đã áp đặt biện pháp trừng phạt với Nga. Đến hôm 22/4, Ủy ban Châu Âu (EC) cho biết các công ty EU đã chấp nhận yêu cầu thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp theo yêu cầu của Nga, song với điều kiện điều này không vi phạm các lệnh trừng phạt.