Hãng tin RT dẫn lời Ngoại trưởng Sergey Lavrov nói rằng Nga tin là không có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân, song sự nguy hiểm của chiến tranh hạt nhân là hiện hữu.
Trả lời phỏng vấn báo chí cùng ngày trên chương trình bình luận chính trị “Trò chơi lớn” của kênh tin tức Nga Channel One, người đứng đầu ngành ngoại giao Nga tuyên bố lập trường ngay từ ban đầu của Nga là không thể chấp nhận được việc để nổ ra chiến tranh hạt nhân và Moskva đã thuyết phúc thành công Mỹ cùng các cường quốc hạt nhân khác nhất trí về điều này vào tháng 1/2022.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Sergey Lavrov cũng cho rằng tình hình kể từ thời điểm đó tới nay đang xấu đi, tới mức xuất hiện mối đe dọa nghiêm trọng và thực tế về một cuộc chiến tranh kiểu như thế.
Nga trước đây đã thuyết phục cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái cam kết tuyên bố của các nhà cựu lãnh đạo Mỹ và Liên Xô năm 1987 rằng sẽ không có ai chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và không bao giờ nên để cuộc chiến ấy xảy ra.
Dù Chính quyền Tổng thống Trump từ chối cam kết đó, song người kế nhiệm tại Nhà Trắng Joe Biden đã “nhanh chóng” nhất trí với Moskva. Một tuyên bố đã được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ vào tháng 6/2021 tại Geneva (Thụy Sĩ). Trung Quốc, Pháp và Anh – 3 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) sở hữu vũ khí hạt nhân – cũng tán thành quan điểm này và ra một tuyên bố chung liên quan.
Ngoại trưởng Lavrov đánh giá cao động thái chính sách đối ngoại đầu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden là "tốt và khôn ngoan", đó là đồng ý với Nga rằng Hiệp ước New Start nên được gia hạn vô điều kiện thêm 5 năm nữa. Đây là thỏa thuận kiểm soát vũ khí cuối cùng còn sót lại, sau khi Washington đơn phương rút khỏi các hiệp ước ABM, INF và Bầu trời Mở.
Ông cho biết thêm các cuộc đàm phán, thương lượng với các nhóm chuyên viên của Mỹ đã bị gián đoạn vào cuối tháng 2, sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2.
Ngoại trưởng Lavrov so sánh tình hình hiện nay với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Khi đó, không có nhiều quy định "bằng văn bản", song các quy tắc ứng xử ngầm là rõ ràng để cả Washington và Moscow tuân thủ. Ông cho hay thời ấy có một kênh liên lạc mà lãnh đạo hai nước đều tin tưởng.
Ngày nay, Nga và Mỹ không duy trì được một kênh như vậy. Không có ai tìm cách thiết lập nó. Những nỗ lực rụt rè và rời rạc thực hiện ở giai đoạn đầu không mang lại nhiều kết quả. Ngoại trưởng Lavrov cáo buộc Mỹ và các đồng minh không còn đề cao luật pháp quốc tế, mà là tôn trọng "trật tự thế giới dựa trên luật lệ", mà trong đó "các quy tắc" không bao giờ được giải thích dưới bất kỳ hình thức nào.
Ngày 27/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh các lực lượng răn đe hạt nhân Nga chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở mức cao. Tổng thống Putin giải thích quyết định trên là nhằm đáp trả những tuyên bố “thù địch” của các quan chức hàng đầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Quyết định được đưa ra trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền đông Ukraine bước sang ngày thứ 4.
Các lực lượng răn đe hạt nhân Nga bao gồm nhiều loại vũ khí chiến lược khác nhau, cả vũ khí hạt nhân lẫn vũ khí thông thường, có thể được sử dụng vừa để phòng thủ vừa có thể tấn công. Theo học thuyết quân sự của Nga, các lực lượng răn đe hạt nhân được xây dựng để "ngăn chặn hành động gân hấn nhằm chống lại Nga và các đồng minh của Nga, đồng thời để đánh bại đối tượng gây hấn, bao gồm trong một cuộc chiến tranh có sử dụng vũ khí hạt nhân".