Nga hay Mỹ là siêu cường thế giới?

Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra cảnh báo Nga không nên có các bước đi leo thang trong vấn đề Ukraine, nếu không muốn phải đối mặt với những lệnh cấm vận khắc nghiệt hơn. Ông đồng thời gọi Nga là “cường quốc khu vực” đang cạnh tranh với ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ.

"Mỹ là cường quốc lớn nhất"


Tới nay, cả Mỹ và Liên minh châu Âu đã đưa ra những trừng phạt đối với việc Nga sáp nhập Crimea, đó là lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với một số quan chức Nga. Tuy nhiên, các động thái này dường như ít gây ảnh hưởng đối với Moskva và lãnh đạo phương Tây hiện phải đối mặt với những chỉ trích rằng đã hành  động không đủ “cứng rắn” trước Nga.

Đứng trước tình huống này, ông Obama đã nói mạnh rằng “Mỹ là cường quốc lớn nhất trên thế giới”, một nước mà những quốc gia khác nhìn vào với vai trò đi đầu trong các cuộc khủng hoảng toàn cầu, ví như xung đột tại Syria.

Ông Obama tận dụng Hội nghị ở La Haye để đưa ra những tuyên bố cứng rắn đối với khủng hoảng ở Ukraine. Ảnh: The Independent


Bên lề Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân ở La Haye, Hà Lan hôm 25/3, khi được hỏi liệu Nga có phải là kẻ thù địa chính trị số một của Mỹ hay không, ông chủ Nhà Trắng đã đáp rằng: Mỹ có nhiều thách thức; Nga là “cường quốc khu vực” và không phải là đe dọa an ninh lớn nhất đối với Mỹ.

Tuy nhiên, ông Obama vẫn khẳng định rằng việc sáp nhập Crimea chưa “hoàn tất” vì cộng đồng thế giới sẽ không công nhận điều đó.

Trước câu hỏi "đâu sẽ là hành động tiếp theo đối với Nga nếu tình hình leo thang", Tổng thống Mỹ gián tiếp đề cập đến sự khác biệt về cách thức can thiệp giữa một cuộc tấn công nhằm vào một quốc gia thành viên NATO (thuộc phạm vi quy định tại Điều V tại Hiến chương của Tổ chức này) với một lệnh trừng phạt nhằm vào một nước không thuộc khối mà tại đó phương Tây có thể áp đặt các sức ép quốc tế. Trước quan ngại của Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen về động thái triển khai quân của Nga gần biên giới với Ukraine, ông Obam cho rằng Nga có quyền hợp pháp triển khai quân sự trên vùng lãnh thổ của mình, nhưng nếu đi xa hơn thì đó sẽ là một “lựa chọn sai lầm”.

"Nga đã, đang và sẽ là một cường quốc thế giới"

Trước nhận xét của ông Obama, ngày 26/3, Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matviyenko tuyên bố Nga là một cường quốc thế giới chứ không phải cường quốc khu vực.

Trả lời báo giới, bà Matviyenko nêu rõ: "Thế giới không phải là đơn cực. Ngày nay, không một quốc gia nào có thể áp đặt ý muốn của mình lên nước khác. Dù thích hay không thì Nga đã, đang và sẽ là một cường quốc thế giới".

Phản hồi lại các bình luận của Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Nga hiện chỉ là một cường quốc khu vực, bà Matviyenko cho biết Nga có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các vấn đề thế giới và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.

Chủ tịch Thượng viện Nga cũng gọi bình luận của ông Obama là "dấu hiệu của sự hoảng loạn và đau đớn", đồng thời khẳng định các biện pháp trừng phạt của Phương Tây với Moskva chỉ làm cho Nga mạnh mẽ hơn.

Sự trừng phạt của Phương Tây chỉ làm cho "Gấu Nga" mạnh mẽ hơn?


Thụy Sĩ, Đức không muốn trừng phạt Nga

Ngày 26/3, Thụy Sĩ đã quyết định không áp đặt trừng phạt Nga về vấn đề Crimea, cho biết muốn tìm một "sự cân bằng" giữa luật pháp quốc tế và các lợi ích của Thụy Sĩ.

Trả lời họp báo, Tổng thống Thụy Sĩ Didier Burkhalter cho biết nước ông chỉ có thể sử dụng biện pháp trừng phạt khi chúng dựa trên "luật pháp quốc tế và lợi ích của Thụy Sĩ". Ông Burkhalter lưu ý rằng lợi ích của Nga tại Thụy Sĩ là "rất lớn".


Theo ông Burkhalter, một số biện pháp trừng phạt do EU áp đặt thì Thụy Sĩ vẫn tuân thủ như lệnh cấm tự do đi lại với một số quan chức Nga, do Thụy Sĩ là thành viên hiệp ước Schegen, là hiệp ước cho phép tự do đi lại không cần hộ chiếu giữa các nước tham gia.


Trong diễn biến liên quan, báo "Thế giới" của Đức ngày 26/3 đưa tin Thủ tướng nước này Angela Merkel không muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn về kinh tế đối với Nga, thay vào đó phải đi tới một giải pháp chính trị.


Thủ tướng Merkel bày tỏ hy vọng tình hình hiện nay ở Ukraine sẽ giảm căng thẳng và có thể tránh phải áp dụng các biện pháp trừng phạt tiếp theo. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo châu Âu sẵn sàng có những phản ứng cứng rắn nếu Nga có thêm những động thái gây căng thẳng. Bà cũng cho biết châu Âu và Mỹ liên hệ chặt chẽ trong các vấn đề ở Ukraine.


Cho tới nay, các biện pháp trừng phạt Nga mới dừng ở cấp độ hai, đó là hạn chế đi lại và phong tỏa tài khoản. Ngay trước bài phát biểu của Thủ tướng Merkel, tại cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch tập đoàn Siemens của Đức Joe Kaeser tuyến bố sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư ở Nga.


HT-TN

Nga cảnh báo các phần tử cực đoan trong chính quyền Ukraine
Nga cảnh báo các phần tử cực đoan trong chính quyền Ukraine

Nga đã bày tỏ quan ngại trước sự làm ngơ của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) về việc một số thành phần dân tộc cực đoan có mặt trong chính quyền hiện nay ở Ukraine sau cuộc đảo chính bất hợp pháp hồi tháng 2 vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN