Nga chi hàng chục tỷ USD phát triển Tuyến đường biển phía Bắc

Ngày 6/6, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã công bố kế hoạch đầu tư, trị giá 2.000 tỷ ruble (khoảng 24,58 tỷ USD), cho dự án phát triển Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) trong 13 năm.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Mikhail Mishustin phát biểu tại Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp chiến lược về phát triển NSR, Thủ tướng Mishustin nhấn mạnh vai trò quan trọng của tuyến đường biển này trong việc tăng cường kết nối giao thông cho các vùng lãnh thổ xa xôi của đất nước.

Cuộc họp tập trung đánh giá tiến độ thực hiện kế hoạch phát triển NSR, được phê duyệt vào tháng 8/2022, bao gồm việc đóng mới hơn 50 tàu phá băng và tàu chống chịu băng đá, cũng như thành lập cảng, nhà ga, trung tâm cứu hộ khẩn cấp và triển khai mạng lưới vệ tinh quỹ đạo nhằm giám sát hoạt động của tuyến đường. 

Theo Thủ tướng Mishustin, để thực hiện kế hoạch toàn diện này, cần đầu tư khoảng 2.000 tỷ ruble trong 13 năm tới. Khoảng 30% trong số này, tương đương 600 tỷ ruble (khoảng 7,37 tỷ USD), sẽ được trích từ ngân sách liên bang. Ông khẳng định tầm quan trọng của việc tạo ra một tổ hợp cơ sở hạ tầng toàn diện, bao gồm các cảng mới, trạm kỹ thuật và khẩn cấp, hệ thống giám sát thời tiết và băng, cùng hệ thống quản lý giao thông trải dài trên toàn bộ NSR.

Thủ tướng Mishustin cho biết chính phủ sẽ phóng 5 vệ tinh khí tượng trong năm nay, nhằm tăng khả năng giám sát và hỗ trợ liên tục trên tất cả tuyến đường ở Bắc Cực.

Theo hãng tin Sputnik của Nga, NSR chạy dọc theo bờ biển phía Bắc nước Nga, có chiều dài khoảng 5.600 km, kết nối các cảng châu Âu và Viễn Đông của Nga, cũng như các cửa sông ở Siberia để tạo thành một tuyến giao thông thống nhất. Đây là tuyến hàng hải ngắn nhất từ châu Á đến châu Âu, đồng thời là dự án kinh tế trọng tâm của Nga ở Bắc Cực và khu vực Viễn Đông.

Trong sắc lệnh đưa ra hồi tháng 5/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu đến năm 2024, lưu lượng hàng hóa dọc theo NSR phải tăng gấp đôi lên 80 triệu tấn/năm. 

Việc xây dựng NSR cũng được xem là một trong những giải pháp quan trọng của Nga nhằm thay thế kênh đào Suez.

Hoàng Châu (TTXVN)
Lệnh trừng phạt của phương Tây tác động đến những công ty Trung Quốc ở Nga thế nào?
Lệnh trừng phạt của phương Tây tác động đến những công ty Trung Quốc ở Nga thế nào?

Trong khi có những công ty Trung Quốc đã rời khỏi Nga, một số thậm chí còn tăng cường sự hiện diện của họ sau sự ra đi của các công ty phương Tây, nhưng ngay cả các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc cũng ngày càng gặp khó khăn trong việc tiếp tục hoạt động dưới các lệnh trừng phạt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN