Nghệ thuật can dựCác nước đi chiến lược của Tổng thống Vladimir Putin trong “ván bài” Syria được tính toán, vận hành một cách hoàn hảo, ăn khớp – từ chuẩn bị lực lượng, tạo lập dư luận, xác lập cơ sở pháp lý cho đến thành lập liên minh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tỏ ra nổi trội hơn so với đồng cấp người Mỹ Barack Obama trong diễn biến mới nhất ở Syria. Ảnh: AP |
Hai tuần trước khi không quân Nga mở đợt không kích IS đầu tiên, giới chức, truyền thông phương Tây “phát sốt” trước việc Nga tăng cường các hoạt động quân sự tại Syria, đặc biệt là ở khu vực Tartus và Latakia. Moskva không phủ nhận thông tin về sự hiện diện quân sự này. Ông Putin xuất hiện trên truyền hình và phát đi thông điệp: Nga có ý tưởng của riêng mình về việc sẽ làm gì và làm như thế nào đối với cuộc khủng hoảng tại Syria.
Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 28/9, ông chủ Điện Kremlin chỉ trích thói “đạo đức giả” của phương Tây, khi lớn tiếng nói về mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố quốc tế, nhưng lại ngoảnh mặt làm ngơ trước các hành động hỗ trợ tài chính cho khủng bố, ngầm bắt tay với các lực lượng cực đoan nhằm thực hiện những toan tính địa chính trị. Ông Putin kêu gọi thành lập một liên minh chống IS, tương tự như liên minh chống Hitler trong Thế chiến 2, với điểm then chốt là phải có sự tham gia của Damascus, vì quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad là lực lượng duy nhất thực sự chống khủng bố IS ở Syria. Từ New York, Tổng thống Putin phát đi lời tuyên bố: Nga không thể chịu đựng thêm nữa cách thức vận hành các vấn đề quốc tế hiện nay - ám chỉ lối hành xử của Mỹ và các đồng minh.
Chưa đầy 48 giờ sau khi kết cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc, ông Putin phát lệnh không kích các mục tiêu IS tại Syria. Trước đó ít giờ, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã thông qua Nghị quyết, trao quyền cho Tổng thống sử dụng không quân can dự tại Syria. Từ Damascus, gần như đồng thời ông Assad gửi thư cho đồng cấp người Nga, yêu cầu Moskva trợ giúp quân sự chống IS. Chiến dịch không kích IS của Nga có đầy đủ cơ sở pháp lý, hoàn toàn phù hợp luật pháp quốc tế.
Nga không hành động đơn phương trong vấn đề Syria. Ngay trước thời điểm không kích, chính quyền Baghdad khiến Mỹ và phương Tây “chưng hửng” khi thông báo Nga, Iraq, Syria và Iran nhất trí thành lập trung tâm chia sẻ thông tin tình báo chống IS, đặt tại Bagdad. Thủ tướng Haider al-Abadi nhấn mạnh rằng Iraq sẵn sàng cho phép Nga không kích IS trên lãnh thổ nước này; khẳng định không có rào cản nào ngăn Nga, Iran và Syria trợ giúp Bagdad chống IS. Sự xuất hiện liên minh 4 bên này là kết quả của các phiên tiếp xúc con thoi giữa đại diện 4 nước tại Moskva trong nhiều tháng trước đó.
Bậc thầy về chiến thuậtCó thể xem can dự của Nga tại Syria là “đòn đánh quân sự có giới hạn”, trên hình thức chiến tranh phi đối xứng. Ngay từ đầu, Điện Kremlin tuyên bố chỉ sử dụng sức mạnh không quân để tiêu diệt các mục tiêu mặt đất của IS; không cử bộ binh tham chiến, tránh đối đầu trực diện với các nhóm khủng bố trên chiến trường Syria. Thời hạn can dự cũng được giới chức Nga khẳng định tối đa là “trong vài tháng”.
Máy bay Nga tham gia chiến dịch không kích IS tại Syria. Ảnh: Reuters |
Các đợt không kích được thực hiện theo kiểu “giải phẫu”. Các máy bay do thám không người lái liên hoạt động liên tục trên bầu trời Syria, thu thập thông tin về hoạt động của IS – đặc biệt là vị trí sở chỉ huy, kho đạn, trạm xăng, căn cứ của quân khủng bố. Các sở chỉ huy quân đội Syria cũng cung cấp cho phía Nga nhiều dữ liệu quan trọng thông qua hoạt động trinh sát trên mặt đất. Các mục tiêu này sau đó sẽ là “mồi ngon” cho các máy bay cường kích như Su-24, Su-25, Su-34, trực thăng vũ trang của Nga xuất phát từ căn cứ không quân Hmeymim gần Latakia, sử dụng tên lửa dẫn đường có độ chính xác cao, các loại bom thông minh có khả năng xuyên phá bê tông.
Thời tiết cũng là yếu tố được Nga cân nhắc rất kĩ. Tại Syria, tháng 9, tháng 10 là thời điểm thuận lợi nhất để chiến dịch không kích đạt hiệu quả lớn nhất: Bầu trời quang mây, gió nhẹ, ngày mưa ít (trung bình 10 ngày mới có một ngày mưa), chưa xuất hiện các đợt bão cát. Đây là điều kiện lý tưởng cho máy bay chiến đấu của Nga cắt bom, phóng tên lửa, đánh trúng các mục tiêu của quân khủng bố.
Bom "thông minh" và các loại vũ khí chính xác khác được Nga sử dụng tại Syria. Trong ảnh, binh sĩ Nga gắn tên lửa Kh-25L vào máy bay Su-24 tại căn cứ không quân Khmeimim, Syria. |
Moskva cũng rất chú trọng đến “chiến tranh thông tin”. Ngay tại thời điểm phát động không kích, Điện Kremlin đã “cảnh báo” nguy cơ Mỹ và phương Tây cố tình bóp méo thông tin, đưa tin sai lệch về hoạt động quân sự của Nga. Các tổ hợp truyền thông nhà nước như RT, Sputnik, kênh truyền hình Chanel-1… đặt tại Nga và các nước trên thế giới điều tiết thông tin hợp lý; công khai, liên tục cập nhật tin tức, hình ảnh, video về chiến dịch không kích nhằm vào IS. Truyền thông phương Tây đã không thể hướng lái dư luận tùy thích, có chăng chỉ là những chỉ trích chung chung nhằm vào Nga, cùng với đó là lời cảnh báo Moskva có nguy cơ dẫm phải “bãi mìn Syria” trong khi còn chưa thoát khỏi “cánh đầm lầy” Ukraine.
Nga tuyên bố can dự ở Syria là để đánh bại khủng bố. Thế nhưng mục đích thực sự của Moskva là gì thì Mỹ và các đồng minh vẫn phải đi tìm: Bảo vệ chế độ ông Assad? Khẳng định tầm quan trọng của Nga ở Trung Đông? Quyết giành ưu thế quân sự trên chiến trường Syria để nâng cao vị thế trên bàn đàm phán?... Chỉ có điều, phương Tây dường như đang phải “chạy” theo Nga trong ván bài Syria. Hình ảnh Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đứng kế bên “lắng nghe” đồng cấp Sergei Lavrov công bố về chiến dịch không kích ngay tại New York ít nhất cũng cho thấy một thực tế: Một Putin mạnh mẽ, dứt khoát đang lấn lướt một Obama chần chừ, thiếu quyết đoán trong vấn đề Syria.