Bộ Ngoại giao Nga cho biết nội dung cuộc họp xoay quanh các vấn đề triển khai chính sách đối ngoại của đất nước và những thách thức mà nền ngoại giao Nga phải đối mặt trong tương lai, xác định phương hướng phát triển của một nước Nga có chủ quyền, độc lập, yêu chuộng hòa bình, một thành viên tích cực của cộng đồng thế giới.
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng thống Putin nhấn mạnh chính sách đối ngoại của quốc gia cần tiếp tục phục vụ và đảm bảo các điều kiện thuận lợi, an toàn nhất cho sự phát triển của nước Nga, giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội quy mô lớn cũng như nâng cao chất lượng và mức sống của người dân.
Ông Putin khẳng định Nga cam kết phát triển quan hệ đối tác, cùng có lợi, mang tính xây dựng với tất cả các nước và các hiệp hội khu vực. Moskva sẽ chủ động tham gia vào các nỗ lực quốc tế nhằm chống lại các thách thức và mối đe dọa chung như khủng bố và tội phạm xuyên biên giới, sự phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, đói nghèo, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường.
Với tư cách là ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Nga dự định tiếp tục duy trì vững chắc các nguyên tắc cơ bản được ghi trong Hiến chương của tổ chức, đó là: chủ quyền và bình đẳng của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, giải quyết công bằng các tranh chấp, đề cao vai trò chủ chốt của LHQ trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.
Nga tiếp tục bảo lưu sáng kiến về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh các quốc gia ủy viên thường trực của HĐBA LHQ, những quốc gia chịu trách nhiệm đặc biệt trong việc duy trì hòa bình và ổn định quốc tế.
Về mối quan hệ với các quốc gia thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhà lãnh đạo Nga lần lượt đề cập đến những ưu tiên hàng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ, như đã được xác định trong văn kiện cập nhật của Chiến lược an ninh quốc gia Nga. Ông Putin nhấn mạnh thêm rằng Nga coi Ấn Độ là một trong những trung tâm độc lập mạnh mẽ của một thế giới đa cực, có triết lý chính sách đối ngoại và các ưu tiên đối ngoại gần gũi với Moskva. Do đó, Nga dự định xây dựng quan hệ hợp tác song phương thực sự nhiều mặt với Ấn Độ.
Ông Putin đánh giá hợp tác giữa Nga và ASEAN đóng góp tích cực cho việc duy trì ổn định và an ninh, cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông mong muốn các nhà ngoại giao Nga đào sâu và nâng cao kinh nghiệm đã tích lũy được trong hơn 30 năm qua để bằng mọi cách có thể tương tác hiệu quả với ASEAN trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội.
Trong những ưu tiên đối ngoại của mình, Nga tiếp tục dành sự quan tâm lớn đến hợp tác toàn diện và cùng có lợi với các quốc gia châu Phi. Ông Putin cho biết sau hội nghị thượng đỉnh Nga- châu Phi đầu tiên đã được tổ chức thành công tại Sochi vào năm 2019, dự kiến cuộc gặp tiếp theo sẽ được lên kế hoạch tổ chức vào năm 2022. Ngoài ra, Nga quan tâm hợp tác với các nước Mỹ Latinh và vùng Caribe, đặc biệt trong việc cung cấp vaccine và thuốc điều trị COVID-19.
Nhà lãnh đạo Nga cho rằng đại dịch COVID-19 đã phá vỡ nghiêm trọng quy trình sống bình thường trên khắp thế giới. Tuy nhiên, bất chấp các biện pháp được thực hiện, đại dịch còn lâu mới bị đẩy lùi, nguy cơ lây lan của các đợt dịch bệnh mới vẫn còn và không quốc gia nào có thể đóng cửa để tránh khỏi dịch bệnh. Do đó, nhà lãnh đạo Nga kêu gọi hợp tác thực sự trong cuộc chiến chống lại căn bệnh nguy hiểm này trên cơ sở bình đẳng và công bằng. Ông nhấn mạnh không có hợp tác bình đẳng, thì không thể đạt được thành công, không thể đánh bại đại dịch.
Nhắc lại việc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã đề xuất các quốc gia công nhận chứng chỉ của nhau càng sớm càng tốt, ông Putin kêu gọi các đối tác hành động kịp thời, bởi điều này cần thiết để nối lại hoạt động kinh doanh và du lịch toàn cầu, đồng thời nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường.
Nhà lãnh đạo Nga đánh giá cao vai trò ngày càng lớn của Tổ chức y tế thế giới (WHO), kêu gọi tổ chức này tham gia tích cực hơn vào việc tiêm chủng đại trà, đồng thời đẩy nhanh các thủ tục công nhận vaccine và thuốc mới, hướng đến việc đánh giá chất lượng, độ an toàn và hiệu quả.