Nga bù khoản thâm hụt ngân sách 1,5 tỷ USD của Crimea

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov ngày 19/3 cho biết Moskva sẽ sử dụng ngân sách liên bang để bù vào khoản thâm hụt ngân sách 1,5 tỷ USD của Crimea (Crưm).

Phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn phát trên kênh truyền hình “Channel 1”, ông Siluanov nói: “Tổng mức thâm hụt ngân sách của Crimea và Sevastopol là khoảng 55 tỷ ruble (1 USD = 35,9170 ruble). Chắc chắn số tiền này sẽ được ngân sách liên bang (Nga) bù vào”.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov.


Trong một diễn biến khác, tối 19/3, các binh sĩ Nga đã giành quyền kiểm soát một căn cứ hải quân nữa của Ukraine ở Crimea.

Thiếu tá Eduard Kusnarenko thuộc hải quân Ukraine nói rằng đã không có vụ bạo lực nào xảy ra khi binh sĩ Nga chiếm cơ sở vận tải hải quân ở Bakhchisaray, cách thủ phủ Simferopol của Crimea khoảng 30 km về phía Tây Nam.

Phát biểu bên ngoài căn cứ này, ông Kusnarenko nêu rõ: “Lực lượng Nga đến và yêu cầu chúng tôi rời khỏi căn cứ và chúng tôi đã làm. Ngày mai chúng tôi sẽ một lần nữa thử trở lại căn cứ của mình”.

Về phản ứng của NATO, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen ngày 19/3 nói rằng liên minh này lo ngại Nga có thể mở rộng cuộc can thiệp ra bên ngoài Crimea đến miền Đông Ukraine và cuộc khủng hoảng này phản ánh một chiến lược rộng lớn hơn của Moskva nhằm tìm cách kiểm soát khu vực.

Phát biểu tại một sự kiện ở Washington, ông Rasmussen nói: “Mối quan ngại lớn của chúng tôi ngay bây giờ là liệu Nga có tiến ra ngoài Crimea, có can thiệp vào các khu vực phía Đông của Ukraine hay không”.

Ông Rasmussen đồng thời nhấn mạnh mặc dù có những cuộc khủng hoảng ở khu vực Bancăng trong những năm 1990 và ở Gruzia trong năm 2008, nhưng sự can thiệp của Nga vào Ukraine là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh và ổn định của châu Âu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Ông cảnh báo hành động này của Moskva có thể khiến Nga bị quốc tế cô lập.

OSCE không đạt được thỏa thuận cử quan sát viên đến Ukraine

Ngày 19/3, các thành viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã một lần nữa không thể nhất trí về việc cử quan sát viên đến Ukraine, làm dấy lên hoài nghi về khả năng đạt được một thỏa thuận.

Một số quan chức ngoại giao được cử làm phái viên tại OSCE đã nói đến sự khó khăn do quyền phủ quyết trên thực tế của Nga đối với hành động của tổ chức gồm 57 quốc gia thành viên này, vì quyết định của OSCE được đưa ra dựa trên nguyên tắc đồng thuận. Đại sứ Mỹ Daniel Baer nói với các phóng viên rằng “đây là lần thứ 3 một văn bản được đưa ra mà chỉ có một quốc gia phản đối, đó chính là Nga”.

Ông Baer cho biết thêm đoàn đại biểu Nga đã nhiều lần đề xuất các sửa đổi đối với một dự thảo thỏa thuận, nhưng khi những nội dung này được tán thành thì Nga lại đưa ra những đề xuất khác. Ông nhấn mạnh: “Điều này thách thức độ tin cậy trong cam kết của họ về một cách tiếp cận mang tính xây dựng. Chúng tôi sẽ phải đồng thời nghiên cứu những cách tiếp cận khác”.



T.N (theo Reuters)
Tiềm ẩn bất ổn sau khi Nga sáp nhập Crimea
Tiềm ẩn bất ổn sau khi Nga sáp nhập Crimea

Căng thẳng giữa Nga với Ukraine và các nước phương Tây tiếp tục gia tăng sau khi Tổng thống Vladimir Putin ký hiệp ước sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Liên bang Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN