Theo ông Sobyanin, việc tiêm vaccine tăng cường có thể được thực hiện với bất kỳ loại vaccine nào trong số 4 loại vaccine đã được đăng ký sử dụng của Nga, tuy nhiên 2 loại vaccine Sputnik V và Sputnik-Light ban đầu sẽ được sử dụng tại 8 bệnh viện tư trên toàn thành phố.
Trước đó, ngày 30/6, Bộ Y tế Nga đã ban hành các quy định mới chính thức khuyến nghị người dân tiêm vaccine tăng cường phòng COVID-19. Theo bộ này, biện pháp trên sẽ đưa Nga trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức thực hiện chương trình tiêm chủng tăng cường cho những người đã được tiêm chủng đầy đủ.
Trong khi đó tại Myanmar, lãnh đạo chính quyền quân sự, Thống Tướng Min Aung Hlaing cho hay nước này hiện đang đàm phán để mua 7 triệu liều vaccine Sputnik của Nga nhằm đối phó với làn sóng lây nhiễm mới của dịch bệnh.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn RIA (Nga), Tướng Min Aung Hlaing nêu rõ ban đầu Myanmar có kế hoạch mua 2 triệu liều vaccine Sputnik, song hiện đang xem xét mua 7 triệu liều. Tuy nhiên, ông Hlaing không nêu cụ thể Myanmar sẽ mua vaccine Sputnik V hay vaccine Sputnik Light tiêm một liều.
Cũng theo Tướng Hlaing, Ấn Độ ban đầu là nước cung cấp phần lớn vaccine phòng COVID-19 cho Myanmar, nhưng hiện tại chưa thể cung cấp thêm vaccine do dịch bệnh bùng phát tại quốc gia Nam Á này. Ngoài Nga, Myanmar cũng sẽ tiếp tục đàm phán với Trung Quốc để mua vaccine do nước này sản xuất.
Theo số liệu của Bộ Y tế Myanmar, nước này đã ghi nhận 155.697 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.320 ca tử vong kể từ khi bắt đầu bùng phát đại dịch. Số ca mắc mới đã tăng vọt trong tháng này, gây quan ngại về khả năng bùng phát một làn sóng lây nhiễm lớn hơn.