Theo một văn bản của Bộ Y tế Đức, trong kế hoạch nói trên, gần 85 triệu liều vaccine loại mRNA của BioNTech/Pfizer đã được ký hợp đồng mua thông qua chương trình mua vaccine của Liên minh châu Âu (EU).
Văn bản cho biết Đức sẽ mua thêm ít nhất một vaccine loại mRNA nữa cũng như các vaccine sử dụng các công nghệ khác nhằm đề phòng tình trạng đình trệ trong hoạt động sản xuất vaccine. Viện Robert Koch, cơ quan y tế công của Đức, khuyến nghị nên có sẵn đủ vaccine loại mRNA để đáp ứng nhu cầu trong nước, nhưng có thể mua vaccine sử dụng các công nghệ thay thế để đề phòng những vấn đề bất ngờ xảy ra với công nghệ vaccine mới nhất này.
Bên cạnh vaccine BionTech/Pfizer, Đức sẽ mua thêm 31,8 triệu liều vaccine loại mRNA nữa của Moderna, 18,3 triệu liều vaccine được sản xuất bằng công nghệ vector virus của hãng Johnson & Johnson, và tổng cộng 70 triệu liều vaccine từ Sanofi, Novavax và Valneva.
Trước đó, ngày 30/6, hãng Curevac của Đức đã thông báo kết quả thử nghiệm cuối cùng về hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 do hãng sản xuất. Theo đó, vaccine của Curevac chỉ có hiệu quả 48% đối với mọi lứa tuổi, thấp hơn nhiều so với các vaccine cùng công nghệ mRNA của BioNTech và Moderna.
Tuy nhiên, kết quả ở mức thấp này được đánh giá dựa trên hiệu quả của vaccine với sự xuất hiện của nhiều biến thể virus khác nhau. Ở nhóm tuổi từ 18 - 60, hiệu quả của vaccine đạt 53% trong ngăn ngừa triệu chứng nghiêm trọng và 77% đối với bệnh vừa và nặng.