Như vậy, tổng số tiền New Zealand viện trợ Tonga đến nay là 2,02 triệu USD.
Phát biểu họp báo, bà Mahuta cho biết khoản tiền viện trợ sẽ được sử dụng để cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân cũng như triển khai trang thiết bị và công cụ dọn sạch tro bụi núi lửa. Hàng cứu trợ và trang thiết bị sẽ được vận chuyển đến Tonga trong những ngày tới.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand, ông Peeni Henare, cho hay tàu HMNZS Canterbury của New Zealand chở thùng chứa nước, lều bạt, sữa bột, trang thiết bị kỹ thuật sẽ khởi hành đến Tonga trong đêm 21/1. Đây là chuyến tàu cứu hộ thứ 3 được New Zealand triển khai đến Tonga.
Cộng đồng quốc tế đang tích cực triển khai tàu và máy bay chở hàng cứu trợ đến Tonga nhằm đáp ứng lời kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp từ quốc đảo Thái Bình Dương vừa trải qua thảm họa núi lửa phun trào và sóng thần kinh hoàng.
Ngày 15/1, núi lửa Hunga-Tonga-Hunga-Ha'apai ở ngoài khơi Tonga đã phun trào trở lại, gây ra những đám tro bụi lớn bao phủ gần như toàn bộ hòn đảo chính của quốc đảo có hơn 100.000 dân này. Vụ phun trào mạnh nhất tại khu vực Thái Bình Dương sau nhiều thập kỷ không chỉ gây sóng thần ập vào các bờ biển Tonga mà còn lan rộng ra nhiều khu vực Nam Thái Bình Dương, kể cả quốc gia xa hơn 2.000 km như New Zealand cũng chịu ảnh hưởng.
Chính phủ Tonga xác nhận 3 người thiệt mạng và nhiều nhà cửa bị phá hủy sau vụ núi lửa phun trào gây ra sóng thần ở nước này. Các nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ước tính vụ phun trào núi lửa ở Tonga có sức công phá lớn gấp 500 lần quả bom hạt nhân Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai. Các liên kết điện thoại giữa Tonga và thế giới bên ngoài đã được kết nối lại vào cuối ngày 19/1, mặc dù việc khôi phục hoàn toàn dịch vụ Internet có thể mất một tháng hoặc hơn.
Liên hợp quốc đặc biệt quan ngại về khả năng tiếp cận nguồn nước an toàn cho 50.000 người trên khắp đất nước Tonga. Ngoài ra, khoảng 84.000 người - hơn 80% dân số Tonga, đã bị ảnh hưởng vì tro bụi.