New Zealand mong muốn tham gia trụ cột phi hạt nhân Aukus

New Zealand đang quan tâm đến việc tham gia trụ cột phi hạt nhân Aukus, trong bối cảnh sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương và mối lo ngại rộng hơn về một “thế giới được định hình lại”.

Chú thích ảnh
Từ trái qua Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Judith Collins, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Winston Peters và Ngoại trưởng Australia Penny Wong đã hội đàm tại Melbourne. Ảnh: The Guardian

Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters và Bộ trưởng Quốc phòng Judith Collins, đã tới Melbourne (Australia) để gặp những người đồng cấp Australia, bà Penny Wong và ông Richard Marles, trong khuôn khổ lễ khai mạc hội nghị '2+2' giữa Australia và New Zealand vào ngày 1/2.

Các cuộc đàm phán giữa hai nước tập trung vào cách tiếp cận chính sách đối ngoại, an ninh và quốc phòng, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong một cuộc họp báo chung ngày 1/2, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles tuyên bố một phái đoàn Australia sẽ tới New Zealand trong thời gian ngắn để giới thiệu với các quan chức nước sở tại về trụ cột II của hiệp ước Aukus, và tập trung vào việc hải quân Úc tiếp nhận các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Aukus là liên hiệp đối tác an ninh giữa Australia, Anh và Mỹ được thành lập năm 2021 do ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực này.

Năm 2022, Trung Quốc đã ký hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon, khiến Washington và Canberra lo ngại.

Vào tháng 1, quốc gia Nauru ở Thái Bình Dương đã chuyển sự công nhận ngoại giao từ vùng lãnh thổ Đài Loan sang Trung Quốc. 

Vào ngày 29/1, Ngoại trưởng Papua New Guinea, Justin Tkatchenko, xác nhận nước này đang đàm phán sớm với Bắc Kinh về một thỏa thuận an ninh và trị an tiềm năng.

Ông Collins hy vọng các quan chức Australia sẽ tới New Zealand để tham dự cuộc họp giao ban của Aukus càng sớm càng tốt.

Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand, Judith Collins cho biết: “Chúng tôi thực sự muốn xem xét các cơ hội là gì và liệu đó có phải là thứ mà chúng tôi có thể tham gia hay không”, đồng thời cho biết thêm rằng New Zealand có thể cung cấp chuyên môn về không gian và công nghệ.

Các bộ trưởng hy vọng sẽ tăng cường khả năng tương tác và khả năng thay thế lẫn nhau giữa lực lượng quốc phòng của hai nước, giúp các lực lượng hoạt động cùng nhau dễ dàng hơn và trao đổi nhân sự và thiết bị được huấn luyện tương tự.

New Zealand trong lịch sử đã có cách tiếp cận thân thiện hơn đối với Trung Quốc so với Úc hoặc các đối tác an ninh Five Eyes khác của nước này, bao gồm Canada, Mỹ và Anh.

Nhưng trong những năm gần đây, New Zealand ngày càng lên tiếng về các vấn đề bao gồm nhân quyền, trật tự dựa trên luật pháp quốc tế và khả năng quân sự hóa Thái Bình Dương.

Phát biểu với SkyNews hôm 1/2, ông Peters cho biết New Zealand đang tìm cách trở thành người có ảnh hưởng tích cực ở Thái Bình Dương và đối xử “bình đẳng” với các nước láng giềng.

Trong cuộc họp báo chung, Ngoại trưởng Australia Penny Wong nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Australia và New Zealand vào thời điểm thế giới đang được định hình lại. Bà cũng khẳng định rằng Australia và New Zealand có vai trò đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Nhật Linh/ Báo Tin tức (Theo The Guardian)
New Zealand: Cấm sử dụng các hóa chất tồn tại bền vững trong mỹ phẩm
New Zealand: Cấm sử dụng các hóa chất tồn tại bền vững trong mỹ phẩm

Cục Bảo vệ môi trường (EPA) New Zealand ngày 30/1 thông báo cấm sử dụng các chất tồn tại bền vững (PFAS) khó bị phân hủy, trong mỹ phẩm từ cuối năm 2026. New Zeland là một trong những nước đầu tiên làm như vậy. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN