Binh lính và cảnh sát tuần tra trên những con phố yên tĩnh của thủ đô Port Moresby vào sáng 12/1 khi mọi người xếp hàng dài ở các trạm xăng một ngày sau khi Papua New Guinea tuyên bố tình trạng khẩn cấp để đối phó với tình trạng bùng phát bạo loạn, cướp bóc và bạo lực.
Thủ tướng James Marape đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 14 ngày vào tối 11/1, và đưa hơn 1.000 binh sĩ vào tình trạng sẵn sàng, sau khi cuộc biểu tình của cảnh sát và khu vực công về việc giảm lương vô cớ hôm 10/1 đã dẫn đến bạo loạn và cướp bóc khiến ít nhất 16 người thiệt mạng.
Ông Marape cũng thông báo lãnh đạo một số bộ như tài chính và ngân khố, cũng như chỉ huy cảnh sát quốc gia đã bị đình chỉ công tác 14 ngày, trong khi chính phủ tiến hành điều tra nguyên nhân vụ bạo loạn. Ông nhấn mạnh có bằng chứng cho thấy cuộc bạo loạn diễn ra có tổ chức.
Theo Matt Cannon, người đứng đầu chi nhánh địa phương của dịch vụ ứng cứu khẩn cấp phi lợi nhuận St John Ambulance cho biết, thành phố đã trở lại trạng thái “bình thường mới” vào sáng 12/1.
Ông Cannon cho biết: “Chúng tôi dự kiến các siêu thị sẽ mở cửa trở lại vào hôm nay và tôi nghe nói rằng chính phủ đã tăng cường an ninh để phục vụ cho số lượng lớn người dân”.
Tình trạng bất ổn bùng lên khi cảnh sát và các công chức khác đình công hôm 10/1 về việc cắt giảm lương một cách vô cớ. Chính quyền sau đó khẳng định lỗi hành chính đã dẫn đến hiểu lầm, song không ngăn được những diễn biến leo thang.
Trong vòng vài giờ, hàng nghìn người đổ ra đường cướp bóc và bạo loạn, gây hư hại nặng nề cơ sở vật chất tại thủ đô Port Moresby, trong đó nhiều người đốt xe cảnh sát, đập phá và lấy đồ đạc từ các cửa hàng.
Ngoài ra, một đám đông đã tìm cách đột nhập cổng bên ngoài văn phòng thủ tướng.
Đài truyền hình ABC của Australia ngày 11/1 dẫn lời cảnh sát đưa tin, 9 người đã thiệt mạng trong vụ bạo loạn ở thủ đô Port Moresby và 7 người thiệt mạng ở Lae, phía bắc đất nước.
AFP đưa tin bệnh viện lớn nhất Port Moresby điều trị 25 người bị thương do trúng đạn và 6 người bị thương do dao đâm.