Theo phóng viên TTXVN tại châu Đại Dương, trong tổng số 55 công dân New Zealand hồi hương trong các ngày từ 9-16/6 được hưởng chế độ miễn trừ cách ly vì lý do nhân đạo, chỉ có 4 người được xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Theo chiến lược loại trừ COVID-19 của New Zealand, tất cả người nhập cảnh vào nước này đều phải cách ly trong 2 tuần nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, Chính phủ New Zealand cũng áp dụng chế độ miễn trừ nhân đạo cho phép công dân được sớm rời khu cách ly để thăm thân nhân bị bệnh nan y hoặc dự các đám tang. Sau khi 2 phụ nữ có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào tuần trước, sau khi nhập cảnh và rời khỏi khu cách ly sớm mà không phải qua xét nghiệm, Thủ tướng Jacinda Ardern đã quyết định tạm dừng chế độ miễn trừ để rà soát lại.
Đầu tháng này, đảo quốc Nam Thái Bình Dương đã công bố không còn ca mắc COVID-19 trong nước, dỡ bỏ mọi hạn chế xã hội và tập trung vào việc ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh tại biên giới. Cho đến nay, New Zealand đã chi 81 triệu NZD (hơn 50 triệu USD) cho việc cách ly trong vòng 14 ngày đối với hơn 21.000 người nhập cảnh, với chi phí khoảng 4.000 NZD (2.600 USD)/người.
Cùng ngày, thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea đã phong tỏa một số khu vực và tiến hành xét nghiệm trên diện rộng đối với lực lượng quân đội sau khi 1 binh sĩ Australia trở thành ca mắc COVID-19 thứ 9 tại quốc đảo này.
Theo truyền thông địa phương, các khu vực mà binh sĩ Australia từng đến trước khi có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 20/6 vừa qua hiện dã đều bị phong tỏa, trong đó có doanh trại Murray, một phần Cao ủy Australia tại thủ đô Port Moresby. Thủ tướng Papua New Guinea James Marape cho biết lệnh phong tỏa theo khu vực tại Port Moresby được áp đặt theo Luật dịch bệnh quốc gia 2020 vừa được Quốc hội nước này phê chuẩn vào tuần trước nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19. Theo luật này, thay vì công bố tình trạng khẩn cấp và phong tỏa toàn thành phố, chỉ những khu vực điểm nóng hoặc những nơi người mắc COVID-19 đã từng đến mới bị phong tỏa.
Trong khi đó, hãng hàng không Emirates của Dubai đã tạm ngừng các chuyến bay từ Pakistan kể từ ngày 24/6 sau khi có hành khách cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Hong Kong (Trung Quốc). Emirates cho biết sẽ đánh giá lại và thực hiện thêm các biện pháp phòng dịch cần thiết trước khi mở lại đường bay từ Pakistan, trong khi các chuyến bay đến Pakistan vẫn được duy trì.
Cũng trong ngày 24/6, Tổng thống Maldives Ibrahim Mohamed Solih cho biết đảo quốc này sẽ mở cửa biên giới và cho phép các khu du lịch đón khách kể từ ngày 15/7. Theo ông, du khách nước ngoài sẽ không phải qua xét nghiệm hoặc trình giấy xác nhận không mắc COVID-19 khi nhập cảnh vào Maldives. Chỉ những người có triệu chứng hoặc sốt cao mới phải xét nghiệm tại sân bay.
Tuy nhiên, Maldives hiện vẫn chưa mở lại các chuyến bay quốc tế và chỉ có một số chuyến bay đặc biệt được phép đến và rời sân bay tại thủ đô Male.
Du lịch là nguồn thu lớn của Maldives - đất nước được coi là đảo thiên đường cho các cặp đôi hưởng trăng mật và là điểm nghỉ dưỡng ưa thích của những nhân vật nổi tiếng. Năm ngoái, Maldives đón 1,7 triệu lượt du khách nước ngoài, tăng 15% so với năm 2018. Lượng khách đến Maldives năm nay dự kiến giảm 50% so với năm ngoái. Đảo quốc này, với 340.000 dân, đến nay ghi nhận 2.217 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 8 ca tử vong.