Dịch COVID-19 diễn biến trái chiều tại một số nước Đông Nam Á

Tình hình dịch bệnh tại một số nước Đông Nam Á tiếp tục ghi nhận những diễn biến trái chiều. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 9/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái Lan đã bước sang ngày thứ 30 liên tiếp không có thêm ca nhiễm mới trong ngày và dự định sẽ cho phép du khách nước ngoài nhập cảnh từ tuần sau cũng như nối lại các hoạt động kinh doanh từ 1/7 tới. Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Thái Lan cho đến nay là 3.157 người với 3.026 người khỏi bệnh. Tổng số ca tử vong vẫn là 58 người.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, tất cả các loại hình kinh doanh và hoạt động bị đình chỉ để kiểm soát đại dịch COVID-19 ở Thái Lan sẽ được phép nối lại từ 1/7, kể cả những địa điểm giải trí và các cửa hiệu massage.

Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan đã công bố quyết định nói trên ngày 24/6, theo đó các quy định đã được soạn thảo cho giai đoạn 5 nối lại kinh doanh và các hoạt động.

Các lĩnh vực kinh doanh và hoạt động được nối lại lần này thuộc diện có nguy cơ cao lây lan bệnh truyền nhiễm. Việc đóng của những dịch vụ đó có không gây ảnh hưởng lớn tới toàn bộ nền kinh tế, nhưng một bộ phận người dân đã gặp vấn đề về tài chính do lệnh đóng cửa, trong đó có các nhạc sĩ và ca sĩ.

Trong giai đoạn 5 nới lỏng các biện pháp phong tỏa, các quán rượu và karaoke sẽ được mở lại, nhưng phải đóng cửa vào lúc nửa đêm. Các nhóm khách được phép tối đa 5 người và không ghép các nhóm khác. Các hoạt động quảng cáo bán hàng sẽ bị cấm. 

Ngoài ra, các trường học sẽ mở lại hoàn toàn, trong khi những hạn chế về giờ mở cửa của các trung tâm thương mại sẽ được dở bỏ.

Tại tất cả các địa điểm nói trên, chính phủ sẽ tiếp tục yêu cầu đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, đảm bảo giãn cách xã hội, vệ sinh thường xuyên, lưu giữ hình ảnh camera an ninh trong 1 tháng để tạo điều kiện cho việc điều tra dịch bệnh và sử dụng ứng dụng trên điện thoại có tên là Thaichana để khai báo ra vào.

Hiện nay, ngoài Trung tâm Nghiên cứu và phát triển vaccine thuộc Đại học Chulalongkorn, còn ít nhất 3 cơ quan khác ở Thái Lan cũng đang thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19.

Trả lời báo chí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Vaccine, ông Kiat Ruxrungtham, cho biết cơ quan này đang hợp tác với hai nhà máy công nghệ sinh học nước ngoài, trong đó có TriLink ở Mỹ, để sản xuất vaccine mRNA. Các nhà máy đã ước tính giá một liều vaccine là 30 USD với khối lượng sản xuất 2 triệu liều.

Theo ông Kiat, mỗi người sẽ cần ít nhất 2 lần tiêm vaccine ngừa COVID-19 và mục tiêu hàng đầu là mang lại sự tiếp cận vaccine cho mọi người dân. Nếu loại vaccine này sẵn sàng thì hàng chục triệu liều có thể sẽ được sản xuất vào giữa năm 2022 hoặc cuối năm 2022. Điều đó phụ thuộc vào việc vaccine có vượt qua được thử nghiệm trên người vào cuối năm nay, có thể vào tháng 10 hoặc tháng    11, hay không.

Trong khi đó, thông báo ngày 24/6, Bộ Y tế Indonesia cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 1.113 ca nhiễm mới COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 49.009. Số ca tử vong tại nước này là 2.573 người, tăng 38 người. Với các số liệu này, Indonesia là nước có số bệnh nhân COVID-19 tử vong cao nhất khu vực Đông Á, ngoại trừ Trung Quốc đại lục. 

Tương tự, cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo 32.295 bệnh nhân COVID-19, tăng 470 ca so với ngày hôm trước. 

Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh và xuất viện là 8.656  người, trong khi số ca tử vong là 1.204 người (tăng thêm 18 người).

Thúc Anh  - Ngọc Quang (TTXVN)
Thái Lan dự kiến đề xuất 3 cách tiếp cận hậu COVID-19 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN
Thái Lan dự kiến đề xuất 3 cách tiếp cận hậu COVID-19 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và các Hội nghị Cấp cao liên quan được tổ chức dưới hình thức trực tuyến vào ngày 26/6 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN