Thông báo của bộ trên khẳng định: “Đến thời điểm hiện tại, không có bằng chứng cho thấy biến thể BA.2.75 đòi hỏi thay đổi cách tiếp cận về y tế cộng đồng đang áp dụng để ứng phó với các biến thể dòng phụ khác của Omicron”. Thông báo cũng nêu rõ rằng hiện không có bằng chứng cho thấy biến thể này có thể khiến bệnh nặng hơn, song cũng cho biết bằng chứng hiện chỉ ở giai đoạn đầu.
Biến thể BA.2.75 được xác định là dòng phụ thứ hai của biến thể BA.2, loại biến thể lây truyền chủ đạo ở New Zealand thời gian này. Gần đây, BA.2.75 mới được xác định là khác với BA.2 và bằng chứng về khả năng lây lan, né tránh hệ miễn dịch và gây bệnh nặng của biến thể này vẫn ở giai đoạn đầu.
Ngoài 2 ca bệnh nói trên, trong 24 giờ qua, New Zealand cũng ghi nhận 47 ca mắc mới ở khu vực biên giới. Hiện 493 ca COVID-19 đang được điều trị, trong đó 11 ca điều trị tích cực.
Trong một diễn biến khác, tại Trung Quốc, Khu hành chính đặc biệt Macau đã ghi nhận 89 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên hơn 900 ca kể từ giữa tháng 6. Nhà chức trách đang nỗ lực kiểm soát đợt bùng phát được đánh giá là lớn nhất tại thành phố này kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Macau hiện vẫn tuân thủ chính sách "Không COVID" của Trung Quốc. Hơn 13.000 người đang bị cách ly bắt buộc. Hơn 600.000 người phải thực hiện 3 xét nghiệm trong tuần này. Nhà chức trách cũng yêu cầu người dân thường xuyên phải xét nghiệm nhanh.
Hầu hết các cơ sở kinh doanh đều đóng cửa và các nhà hàng chỉ có thể cung cấp đồ ăn mang đi. Các sòng bạc vẫn được phép mở nhằm đảm bảo việc làm, nhưng chỉ duy trì một số ít nhân viên làm việc trực tiếp, phần lớn được yêu cầu ở nhà.
Trên thực tế, số ca mắc mới theo ngày tại Macau hiện vẫn khá thấp so với các khu vực khác. Như tại Hong Kong, con số này là hơn 2.000 ca/ngày trong tháng này. Tuy nhiên, Macau chỉ có một bệnh viện công. Hiện giới chức đặc khu đã xây dựng một bệnh viện dã chiến để đối phó với số ca nhiễm ngày càng tăng.