Thiế bị bay trinh sát không người lái SHARK được biên chế trong Lực lượng Vũ trang Ukraine, năm 2024. Ảnh: Lữ đoàn Cơ giới Độc lập số 92.
Theo trang tin militarnyi.com, báo New York Times của Mỹ đã đưa tin về vấn đề này.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền vào ngày 16/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, các cuộc thảo luận gần đây nhất của ông với Tổng thống Mỹ Donald Trump tập trung vào một thỏa thuận mang tính đột phá, cho phép Washington và Kiev cùng nhau tăng cường năng lực công nghệ hàng không, trong đó phía Ukraine sẽ chia sẻ kinh nghiệm chiến đấu thu được trong ba năm xung đột với Liên bang Nga.
“Người dân Mỹ cần những công nghệ này, chúng nên có trong kho vũ khí của các bạn. Tôi nghĩ đây là một thỏa thuận khổng lồ thực sự, đôi bên cùng có lợi”, ông Zelensky nói.
Theo militarnyi.com, Tổng thống Ukraine cũng đang tiến hành các cuộc đàm phán tương tự với các quốc gia khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), như Đan Mạch, Na Uy và Đức.
Đối với quân đội Mỹ, thoả thuận được cho là có thể mang lại sự hỗ trợ vô giá cho họ, khi các chuyên gia trong ngành và giới chức quốc phòng đã nhiều lần cảnh báo về “khoảng trống công nghệ” trong lĩnh vực UAV và chiến tranh không người lái.
Trong cuộc phỏng vấn với báo New York Times, ông Trent Emeneker, quản lý dự án hệ thống tự động tại Đơn vị Đổi mới Quốc phòng (Defense Innovation Unit), đã nói rằng: “Tất cả chúng ta đều biết một điều: chúng ta chưa cung cấp cho binh sĩ Mỹ những gì họ cần để sống sót trong chiến tranh hiện đại. Nếu ngày mai chúng ta phải bước vào cuộc chiến, liệu chúng ta có mọi thứ cần thiết không? Không”.
Xem video thiết bị bay không người lái của Lữ đoàn Black Forest thuộc quân đội Ukraine phá huỷ một hệ thống phòng không Buk-M3 của Liên bang Nga, trị giá khoảng 45 triệu USD. Nguồn: Bộ Quốc phòng Ukraine/X
Những vấn đề này trở nên rõ ràng trong cuộc tập trận quân sự kéo dài bốn ngày do Lầu Năm Góc tổ chức tại Alaska vào tháng trước. Trong cuộc tập trận đó, binh sĩ Mỹ đã nhiều lần không thể tiêu diệt được các UAV mô phỏng. Một số chiếc UAV thậm chí không thể cất cánh, và một chiếc trong số những UAV cất cánh được thì lại tấn công nhầm mục tiêu.
Thỏa thuận “khổng lồ” tiềm năng này đang được thảo luận trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth vừa ban hành mệnh lệnh mới nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến việc sản xuất UAV của Mỹ. Một bản ghi nhớ từ Lầu Năm Góc nhấn mạnh sự cần thiết phải bắt kịp tốc độ sản xuất UAV quân sự đang tăng mạnh trên toàn cầu.
“Trong khi đối thủ của chúng ta đã sản xuất hàng triệu thiết bị bay không người lái giá rẻ, thì chúng ta lại bị mắc kẹt trong mớ thủ tục quan liêu. Nhưng điều đó đã kết thúc”, ông Hegseth tuyên bố.