Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang tác động lớn đến lĩnh vực giáo dục. Việc quyết định cho học sinh tiếp tục nghỉ học hay trở lại trường trong bối cảnh dịch bệnh chưa được kiểm soát được vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi giữa nhiều chính phủ. Tại Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất thế giới, trong khi nhiều trường vẫn phải học trực tuyến để kiểm soát dịch, nhiều trường đã đưa ra hình thức học mới khi quyết định mở cửa trở lại vào tháng 9 tới.
Ngày 24/8, Thị trưởng thành phố New York, ông Bill de Blasio đã thông báo kế hoạch khuyến khích việc học ngoài trời khi học sinh tựu trường vào tháng 9 tới. Phát biểu với báo giới, ông nói: "Chúng tôi muốn cho phép các trường học lựa chọn phương án hoạt động ngoài trời nhiều nhất có thể". Tuy nhiên, hiệu trưởng của hơn 1.700 trường học trong thành phố được yêu cầu phải trình các kế hoạch dạy và học ngoài trời, hoặc trong khuôn viên trường học, hoặc tại công viên, hoặc những con đường gần trường. Thị trưởng Blasio khẳng định tất cả các trường công, trường tư thục đều được khuyến khích sử dụng không gian ngoài trời. Với mục tiêu nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn cho học sinh, ông nói: "Chúng tôi đã tạo ra một tiêu chuẩn 'vàng và mới'. Chúng tôi đã kết hợp những tiêu chuẩn này thành một chiến lược an toàn cho tất cả học sinh".
Cùng với kế hoạch trên, bắt đầu từ ngày 24/8, tất cả các trung tâm thể thao tại bang New York có thể mở cửa trở lại với công suất 33%, trừ các phòng tập thể hình vẫn đóng cửa đến ít nhất là ngày 2/9. Các viện bảo tàng trong thành phố cũng được phép mở cửa trở lại trong vài tuần tới, trong đó Bảo tàng Nghệ thuật sẽ mở cửa vào ngày 29/8.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ cắt ngân sách liên bang dành cho các trường học không mở cửa trở lại cho học sinh đến học trực tiếp, cho rằng việc mở lại trường học sẽ cho phép phụ huynh đi làm lại, đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi kinh tế.
Liên quan đến hoạt động giáo dục, ngày 24/8, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) thuộc Liên hợp quốc (LHQ) đưa ra một báo cáo trong đó nhận định chi tiêu cho giáo dục ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe sẽ giảm 9% trong năm nay, do đại dịch COVID-19 khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực này sụt giảm ở mức 9,1%.
Trong báo cáo nghiên cứu về ngành giáo dục trong đại dịch COVID-19 tại Mỹ Latinh và Caribe do CEPAL và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thực hiện, các chuyên gia cho biết nếu không có đại dịch, các nguồn lực dành cho giáo dục trong năm 2020 tại các nước trong khu vực này có thể sẽ tăng 3,6% so với năm 2019.
Đại dịch COVID-19 đã khiến khoảng 160 triệu học sinh Mỹ Latinh phải nghỉ học. Tại khu vực này, 26 nước đã đưa ra các chương trình giảng dạy trực tuyến. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận máy vi tính và máy tính bảng là không đồng đều trong khu vực. Khoảng 80% số sinh viên thuộc nhóm có điều kiện kinh tế - xã hội cao nhất sở hữu máy tính bảng so với tỷ lệ 20% tại nhóm có điều kiện kém hơn.
Báo cáo cho rằng, bất bình đẳng trong việc tiếp cận cơ hội giáo dục thông qua các phương tiện kỹ thuật số làm tăng khoảng cách về khả năng tiếp nhận thông tin và kiến thức, điều này sẽ cản trở xã hội hóa và hội nhập nói chung.
Các chuyên gia nhấn mạnh tính cấp thiết của việc phải "đảm bảo giáo dục như một quyền cơ bản của con người", đồng thời cảnh báo về khoảng cách ngày càng lớn trong việc tiếp cận giáo dục chất lượng, đặc biệt là ở nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất.
Mỹ Latinh hiện là khu vực chịu ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nặng nề nhất thế giới với hơn 6,7 triệu người nhiễm bệnh và khoảng 260.000 ca tử vong.