Trong một nghiên cứu gần đây được công bố trên trang mạng medRxiv, các tác giả đã tìm hiểu nguy cơ tử vong sau khi tiêm vaccine và so sánh với nguy cơ tử vong ở bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.
Trong nghiên cứu này, các tác giả thu thập dữ liệu từ Văn phòng Thống kê quốc gia, Cơ quan Quản lý dịch vụ tiêm chủng quốc gia (NIMS) và Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) của Vương quốc Anh. Dữ liệu bao gồm số ca tử vong được báo cáo và số lượng liều vaccine ngừa COVID-19 được tiêm tại vùng từ ngày 8/12/2020. Nghiên cứu cũng bao gồm các cá nhân trong độ tuổi từ 12 – 29 đã tử vong trong 12 tuần sau khi được tiêm một liều vaccine ngừa COVID-19. Ngoài ra, các tác giả tiến hành phân tích tất cả những trường hợp từ 12 – 29 tuổi chưa được tiêm vaccine đã tử vong trong 12 tuần sau khi xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Nghiên cứu cũng chia ra 2 giai đoạn gồm giai đoạn rủi ro trong 6 tuần đầu tiên khi chứng viêm cơ tim thường xảy ra rất nhanh sau khi tiêm vaccine và giai đoạn cơ sở là 6 tuần sau đó. Các nhà nghiên cứu cũng phân tích tương tự đối với các ca tử vong sau khi xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Lưu ý, các tác giả không đưa ra tổng số người được nghiên cứu cho mỗi giai đoạn kể trên.
Theo nghiên cứu, bằng chứng cho thấy nguy cơ tử vong do tim mạch trong 6 tuần đầu tiên không thay đổi sau khi tiêm vaccine với tỷ lệ nguy cơ tương đối giữ ở mức 0,99. Tương tự, nguy cơ tử vong trong 6 tuần đầu tiên sau khi tiêm vaccine không thay đổi và nguy cơ tử vong giảm trong tuần đầu tiên sau khi được tiêm vaccine.
Trong khi đó, kết quả phân tích tỷ lệ tử vong sau khi dương tính với SARS-CoV-2 lại cho thấy nguy cơ tử vong cả do tim mạch và các nguyên nhân khác tăng sau khi bệnh nhân được xác nhận nhiễm virus này. Nguy cơ cao nhất được phát hiện trong tuần đầu tiên.
Trước đó, COVID-19 được cho là làm tăng nguy cơ viêm cơ tim và các bệnh lý tim mạch khác ở người trẻ tuổi. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu trên chứng tỏ nguy cơ tử vong không tăng trong 12 tuần đầu sau khi tiêm vaccine. Kết luận trên sẽ giúp trấn an những người còn do dự đi tiêm vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn cần nghiên cứu nhiều hơn về tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine, tập trung vào các loại vaccine cụ thể.
Trang medRxiv đăng tải các báo cáo khoa học sơ bộ và chưa được giới chuyên gia thẩm định. Do đó, các kết quả nghiên cứu trên trang này sẽ không được xem là thông tin chính thức, hướng dẫn thực hành lâm sàng hay định hướng về sức khỏe.