NATO nhấn mạnh mục tiêu đóng góp công bằng và tăng cường khả năng răn đe, phòng thủ

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels (Bỉ), ngày 17/2, các bộ trưởng quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bắt đầu cuộc họp trực tuyến hai ngày thảo luận về các vấn đề an ninh quan trọng như sự thích ứng của liên minh thông qua sáng kiến NATO 2030, tiến tới chia sẻ gánh nặng công bằng hơn và tăng cường khả năng răn đe cũng như phòng thủ.

Chú thích ảnh
Binh sĩ NATO được triển khai tại Kabul, Afghanistan, ngày 31/5/2019. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp báo sau ngày làm việc đầu tiên, Tổng Thư ký (TTK) NATO Jens Stoltenberg cho biết đây là cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên của liên minh quân sự này với chính quyền mới của Mỹ và là một dấu mốc quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến tổ chức vào cuối năm nay.

Ông đánh giá NATO có cơ hội để mở ra một chương mới trong quan hệ giữa châu Âu và Bắc Mỹ, đồng thời khẳng định NATO phải đối mặt với những thách thức toàn cầu mà không quốc gia và châu lục nào có thể tự mình giải quyết. Đây cũng là lý do TTK Stoltenberg đưa ra sáng kiến NATO 2030, với mục đích làm cho liên minh xuyên Đại Tây Dương này thích ứng phù hợp với tương lai. Ông đã đưa ra một số đề xuất đầy tham vọng để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh với các lĩnh vực chính như tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ, hỗ trợ đồng minh phát huy năng lực và đảm bảo chia sẻ chi tiêu công bằng hơn. TTK NATO cũng đề xuất thúc đẩy hợp tác xuyên Đại Tây dương về đổi mới quốc phòng, giữ vững lợi thế về công nghệ, đóng góp vào sự ổn định trong khu vực lân cận và chống lại chủ nghĩa khủng bố.

TTK Stoltenberg nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác chính trị với các nước đối tác để bảo vệ trật tự dựa trên các quy định. NATO cũng phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết các tác động an ninh của tình trạng biến đổi khí hậu.

Theo ông Stoltenberg, đây là thời điểm để cập nhật Khái niệm chiến lược của NATO, để khối có thể giải quyết những thách thức đang tồn tại và mới nổi, tuân theo các giá trị của tổ chức và củng cố mối quan hệ giữa châu Âu và Bắc Mỹ.

Các bộ trưởng quốc phòng NATO đã thảo luận về tiến trình hướng tới chia sẻ gánh nặng công bằng hơn. 2021 sẽ là năm thứ 7 liên tiếp các đồng minh châu Âu và Canada tăng chi tiêu quốc phòng. Với 9 nước đồng minh dự kiến sẽ chi 2% Tổng sản phẩm quốc gia (GDP) cho quốc phòng trong năm 2021, tăng nhiều so với chỉ 3 nước đạt tỉ lệ này trong năm 2014.

Kể từ năm 2014, các đồng minh châu Âu và Canada đã đóng góp thêm 190 tỷ USD. Dự kiến trong năm nay, 24 nước đồng minh sẽ đáp ứng chủ trương đầu tư ít nhất 2% ngân sách cho hoạt động quốc phòng của mình, trong đó chủ yếu dành để đầu tư vào các trang thiết bị mới.

Một trong những vấn đề chủ chốt được thảo luận trong chương trình nghị sự của hội nghị là tương lai của phái bộ hỗ trợ gồm 9.600 quân của NATO ở Afghanistan sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt thỏa thuận với lực lượng Taliban về việc rút quân khỏi chiến trường Nam Á này.

Hiện chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang xem xét liệu có nên duy trì thời hạn chót 1/5 cho kế hoạch rút quân hay không hoặc có thể phải đối mặt với nguy cơ hứng chịu phản những cuộc tấn công dữ dội từ các tay súng Taliban nếu quyết định ở lại.

Dự kiến Bộ trưởng Quốc phòng mới của Mỹ Lloyd Austin sẽ không đưa ra thông báo chắc chắn nào về kế hoạch rút quân trên khi chủ đề này được thảo luận trong ngày 18/2 (giờ Mỹ), nhưng sẽ tìm kiếm ý kiến đóng góp từ các đồng minh để giúp ông Biden đưa ra quyết định. Hiện một số thành viên khác của NATO khẳng định họ sẵn sàng ở lại Afghanistan, nếu Washington cũng ở lại. Liên quan đến vấn đề này, TTK Stoltenberg khẳng định các đồng minh sẽ "đưa ra quyết định về thời điểm thích hợp để cùng nhau rút đi".

Cựu Tổng thống Trump tuyên bố cắt giảm quân số của quân đội Mỹ tại Afghanistan xuống còn 2.500 binh sĩ trong những ngày tại nhiệm cuối cùng của ông, con số thấp nhất kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tại quốc gia Nam Á này năm 2001.

NATO đã kết thúc ngày làm việc đầu tiên với một phiên họp với các đối tác Phần Lan và Thụy Điển, và Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell để chia sẻ quan điểm về những thách thức chung mà các bên phải đối mặt đồng thời thảo luận về mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương tại thời điểm chuyển tiếp quan trọng hiện nay.

Kim Chung - Phương Hoa (TTXVN)
NATO thảo luận việc rút quân khỏi Afghanistan
NATO thảo luận việc rút quân khỏi Afghanistan

Ngày 17/2, bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO đã có cuộc họp đầu tiên kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, nhằm khởi động lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sau 4 năm căng thẳng dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN