Theo hãng tin Yonhap, nguyên đơn là nhóm 33 nạn nhân người Hàn Quốc và thân nhân của họ hiện đang sống tại thành phố Gwangju và tỉnh Nam Jeolla. Trong số 33 người nói trên có 2 người là nạn nhân còn sống sót, số người còn lại là con và cháu những nạn nhân đã qua đời. Đây là vụ kiện thứ 2 của các nạn nhân bị cưỡng bức lao động, được khởi xướng từ Gwangju - Nam Jeolla.
Bên bị đơn là Hokkaido Coal & Boat Co., Mitsubishi Mining Co., Mitsubishi Heavy Industries, Mitsui Mining Co., Nishimatsu Construction và Kawasaki Heavy Industries.
Việc các nạn nhân Hàn Quốc kiện các doanh nghiệp Nhật Bản, đòi bồi thường cho giai đoạn lao động cưỡng bức thời kỳ chiến tranh là một trong những vấn đề mấu chốt khiến quan hệ giữa hai bên căng thẳng.
Tháng 11/2018, Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra 2 phán quyết, một phán quyết buộc Mitsubishi Heavy Industries đền bù từ 100 triệu won đến 120 triệu won cho mỗi trường hợp trong 5 phụ nữ nạn nhân và một phán quyết khác buộc công ty này trả 80 triệu won cho mỗi trường hợp trong 6 nạn nhân lao động cưỡng bức.
Sau phán quyết này, các tài sản của Mitsubishi đã bị tịch thu. Tuy nhiên, Mitsubishi và nhiều công ty Nhật Bản khác đã không chấp nhận phán quyết của tòa án, làm gia tăng căng thẳng ngoại giao song phương giữa hai nước.
Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ 1910-1945. Hàn Quốc vẫn luôn cho rằng các nhà lãnh đạo và công ty Nhật Bản không thực sự ăn năn trước những việc làm sai trái trong quá khứ và từ chối chịu trách nhiệm pháp lý. Trong khi đó, Nhật Bản khẳng định mọi vấn đề liên quan đều đã được giải quyết trong Hiệp định bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước năm 1965.