Nam Phi phê duyệt sử dụng vaccine của Johnson&Johnson tiêm mũi tăng cường

Cơ quan quản lý các sản phẩm y tế của Nam Phi (SAPHRA) ngày 23/12 cho biết đã phê duyệt sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson&Johnson cho mũi tiêm thứ 2, tức là mũi tăng cường đối với loại vaccine liệu trình 1 liều duy nhất này.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại East London, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN

Động thái này của SAPHRA mở đường cho loại vaccine này được sử dụng rộng rãi tại Nam Phi để tăng cường bảo vệ người dân trước biến thể Omicron.

Trong thông báo, SAPHRA nêu rõ cơ quan này đã phê duyệt sử dụng vaccine của hãng Johnson&Johnson (vaccine J&J) tiêm  mũi tăng cường ít nhất 2 tháng sau khi hoàn thành phác đồ tiêm chủng bằng vaccine J&J hoặc một loại vaccine mRNA khác đã được phê duyệt.

Trước đó, Nam Phi đã thông báo chuẩn bị cho người dân tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19, sử dụng cả vaccine của Pfizer và vaccine J&J, tuy nhiên không cho biết cụ thể khi nào có vaccine J&J.

Cho đến nay, Nam Phi mới chỉ có vaccine J&J tiêm mũi tăng cường cho nhân viên y tế,  trong khi mũi tăng cường vaccine của Pfizer sẽ được tiêm từ tháng 1/2022 cho những người đã tiêm mũi 2 mũi vaccine này ít nhất 6 tháng trước. 

Nam Phi dựa chủ yếu vào vaccine của 2 hãng trên trong chiến dịch tiêm chủng của nước này và đã tiêm cho 44% dân số trưởng thành ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19 trong tháng 12. Tỉ lệ này cao hơn nhiều nước khác ở châu Phi, nhưng chưa đạt mục tiêu do Chính phủ Nam Phi đề ra cho cuối năm 2021.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Sydney, trong những ngày qua, số ca nhiễm mới COVID-19 tăng kỷ lục tại nhiều bang ở Australia do sự lây lan mạnh của biến thể mới Omicron buộc chính phủ nước này tái áp đặt một số biện pháp phòng, chống dịch ngay trước dịp nghỉ lễ Giáng sinh.

Tuy nhiên, ngày 23/12, trả lời phỏng vấn của báo giới, Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt cho biết dù vẫn phải thận trọng trước sự gia tăng đột biến số ca mắc mới COVID-19, dấu hiệu đáng mừng là Australia không có thêm ca nhiễm mới nào chuyển nặng phải thở bằng máy.

Ông Hunt nêu rõ cách đây một tuần có 54 bệnh nhân COVID-19 phải thở bằng máy và đến ngày 22/12 con số này không thay đổi. Ngoài ra, số bệnh nhân phải cần đến chăm sóc đặc biệt hiện là 112 người, tăng 3 người so với 1 tuần trước đó. Ông Hunt khẳng định rằng hệ thống y tế của Australia đã chuẩn bị sẵn sàng trước sự gia tăng số người nhập viện. Ông cũng trấn an người dân rằng chính phủ có đủ nguồn cung vaccine cho mũi tiêm tăng cường.

Ngày 23/12, bang New South Wales của Australia ghi nhận 5.715 ca mắc mới COVID-19, tăng hơn 2.000 ca so với 1 ngày trước đó. Giám đốc Y tế bang, bà Kerry Chan, cho biết 80% số ca mắc hiện nay ở bang này là do biến thể Omicron. Các bang khác cũng ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục, trong đó Victoria với 2.005 ca; Nam Australia 484 ca; Queensland 369 ca; Vùng Lãnh thổ thủ đô Canberra 85 ca...

Tỷ lệ tiêm chủng đủ hai mũi vaccine ở Australia hiện đã đạt trên 94%.

Thúc Anh - Văn Linh (TTXVN)
Mũi vaccine thứ ba của AstraZeneca có hiệu quả chống lại biến thể Omicron
Mũi vaccine thứ ba của AstraZeneca có hiệu quả chống lại biến thể Omicron

Ngày 23/12, hãng dược phẩm AstraZeneca thông báo vaccine tiêm mũi thứ ba của hãng này có hiệu quả chống lại biến thể mới Omicron, với độ trung hòa tương đương so với mức kháng thể chống lại biến chủng Delta sau hai liều tiêm thông thường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN