Nam Phi: Gần một nửa dân số có nguy cơ mất an ninh lương thực vào năm 2025

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, nghiên cứu do Tập đoàn bán lẻ Shoprite Nam Phi công bố ngày 17/10 cho thấy đến năm 2025, gần một nửa dân số nước này có thể sẽ không được đảm bảo an ninh lương thực.

Chú thích ảnh
Các tình nguyện viên phát lương thực cứu trợ cho trẻ em tại Johannesburg, Nam Phi ngày 19/7/2020. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Cụ thể, theo nghiên cứu trên, 48,96% dân số Nam Phi có thể sẽ không có đủ lương thực vào năm 2025, trong đó tỉnh Limpopo sẽ phải hứng chịu tình trạng mất an ninh lương thực tồi tệ nhất (với khoảng 54% dân số tỉnh). Ngoài ra, tỉnh Western Cape và Gauteng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, lần lượt là 41% và 47% người dân không có đủ lương thực.

Cũng theo nghiên cứu, tình trạng mất an ninh lương thực ảnh hưởng đến người dân thành thị và nông thôn theo những cách khác nhau và khác nhau giữa các tỉnh của Nam Phi. Chẳng hạn như ở tỉnh Western Cape, 13% người dân bị mất an ninh lương thực sẽ sống ở khu vực nông thôn và 87% ở trung tâm thành thị. Ngược lại, 59% số người có khả năng bị đói ở tỉnh Eastern Cape sẽ cư trú ở khu vực nông thôn.

Shoprite cho biết việc thực hiện nghiên cứu nhằm tạo ra nhận thức về tình trạng mất an ninh lương thực và tác động của nó đối với một quốc gia như Nam Phi. Tập đoàn bán lẻ này cũng hy vọng người dân sẽ bắt đầu ủng hộ các sáng kiến ưu tiên xóa đói giảm nghèo. 

Trước đó, dữ liệu của năm 2022 cho thấy 52% dân số Nam Phi đã lâm vào tình trạng mất an ninh lương thực.

Hoàng Minh (TTXVN)
Sử dụng hiệu quả nước sạch góp phần bảo đảm an ninh lương thực, dinh dưỡng
Sử dụng hiệu quả nước sạch góp phần bảo đảm an ninh lương thực, dinh dưỡng

Hưởng ứng Ngày Lương thực Thế giới (16/10), Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” từ ngày 16 - 23/10 với chủ đề “Sử dụng và bảo vệ nước sạch đúng cách để cải thiện dinh dưỡng, sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN