Mỹ xúc tiến các thương vụ bán vũ khí 8,1 tỷ USD cho các đồng minh Arab

Ngày 24/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trước tình trạng căng thẳng với Iran, viện dẫn tình hình này để xúc tiến các thương vụ bán vũ khí trị giá 8,1 tỷ USD cho Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Jordan mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội. 

Chú thích ảnh
Máy bay chiến đấu F-16 thuộc hãng sản xuất vũ khí General Dynamics của Mỹ đỗ tại căn cứ không quân Davis-Monthan, bang Arizona. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thông báo với Quốc hội về quyết định trên, theo đó chính quyền Tổng thống Trump sẽ bỏ qua quy trình xem xét của Quốc hội để xúc tiến 22 hợp đồng bán vũ khí cho các đồng mình Arab kể trên. Theo ông Pompeo, quyết định này được đưa ra vì "tồn tại tình huống khẩn cấp đòi hỏi phải bán vũ khí ngay lập tức", và các hợp đồng bán vũ khí này sẽ hỗ trợ các đồng minh của Mỹ, tăng cường ổn định tại Trung Đông, giúp những nước này nâng cao "tính răn đe" và phòng vệ trước các nguy cơ từ Iran.

Trong các tài liệu trình Quốc hội, Ngoại trưởng Pompeo đã liệt kê các vũ khí và dịch vụ sẽ được cung cấp cho 3 nước Arab trên, trong đó có vũ khí dẫn đường chính xác do Tập đoàn Raytheon (Mỹ) sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật cho máy bay Boeing Co F-15, và các tên lửa chống tăng Javelin do hai hãng Raytheon và Lockheed Martin sản xuất.

Động thái trên của Chính quyền Tổng thống Trump đã phá bỏ quy trình bán vũ khí của Mỹ, trong đó các hợp đồng phải được Quốc hội xem xét và Quốc hội có quyền chặn thỏa thuận. Nhiều nghị sĩ Mỹ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã lên tiếng phản đối động thái này. Các nghị sĩ đảng Dân chủ cáo buộc ông chủ Nhà Trắng đã "lách" luật để ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, qua đó qua mặt Quốc hội để xúc tiến các hợp đồng bán vũ khí. Thượng nghị sĩ Robert Menendez đã bày tỏ thất vọng trước bước đi trên, cảnh báo điều này sẽ "phá hủy mối quan hệ làm việc hiệu quả và kéo dài hàng thập kỷ qua trong các thương vụ bán vũ khí giữa hai nhánh lập pháp và hành pháp".

Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng bày tỏ lo ngại rằng việc né tránh quy trình bỏ phiếu tại Quốc hội tác động tiêu cực tới quyền hạn của cơ quan lập pháp, đồng thời tạo tiền lệ xấu đối với quy trình xem xét các thương vụ bán vũ khí. 

Trong nhiều tháng qua, các nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ đã ngăn cản các thương vụ bán vũ khí tấn công cho Saudi Arabia và UAE, sau những thương vong đối với dân thường ở Yemen do chiến dịch không kích của liên quân các nước Arab do Saudi Arabia đứng đầu, cũng như vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi năm ngoái.

Phương Oanh (TTXVN)
Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ cử khoảng 1.500 binh sĩ tới Trung Đông 
Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ cử khoảng 1.500 binh sĩ tới Trung Đông 

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/5 tuyên bố sẽ cử khoảng 1.500 binh sĩ Mỹ tới Trung Đông, chủ yếu như một biện pháp phòng vệ, trong bối cảnh căng thẳng tăng cao với Iran. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN