Ứng xử như thế nào với đồng minh Ai Cập kể từ khi xảy ra vụ đảo chính quân sự lật đổ cựu Tổng thống Mohammed Morsi được xem là câu hỏi hóc búa đối với chính quyền Mỹ. Dường như sự chuyển động chính sách đã bắt đầu. Những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Morsi đốt lốp xe trong cuộc biểu tình ở Cairo hôm 6/10. Ảnh: THX/TTXVN |
585 triệu USD trên tổng số 1,3 tỉ USD viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Ai Cập đã bị ngưng lại. Hồi cuối tuần trước, đã xuất hiện dư luận cho rằng Mỹ sẽ thôi không thực hiện khoản trợ giúp trên. Đáp lại, hôm 8/10, giới chức Mỹ khẳng định việc tạm dừng không đồng nghĩa với chấm dứt hỗ trợ quân sự. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) Caitlin Hayden khẳng định: “Những báo cáo cho rằng chúng tôi chấm dứt tất cả viện trợ quân sự cho Ai Cập là không chính xác. Chúng tôi sẽ thông báo về tương lai quan hệ trợ giúp đối dành cho Ai Cập trong vài ngày tới. Nhưng như tổng thống đã nêu rõ tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, mối quan hệ trợ giúp này sẽ vấn tiêp tục”.
Các nguồn tin tại Quốc hội Mỹ cho biết, Nhà Trắng vẫn chưa thông báo về quyết định đối với khoản trợ giúp còn lại nằm trong cam kết với phía Ai Cập. Có thể là do chính quyền Obama còn vướng bận trong việc quyết định có nên viện trợ hết hay chỉ một phần; cùng với đó là việc xử lý các đơn hàng mà các công ty quốc phòng Mỹ đã có được trong các hợp đồng viện trợ vũ khí cho Ai Cập.
Dường như chính quyền Obama đang ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, Mỹ không muốn cắt đứt quan hệ với giới quân sự Ai Cập, nhưng mặt khác lại không chấp nhận hình thái chính trị hiện hành ở Cairo. Về phần mình, Ai Cập cũng tỏ ra không quá vồn vã trước những cam kết của Mỹ, khi mà một số nước vùng Vịnh vừa chuyển vào nước này 7 tỉ USD trên tổng số 12 tỉ USD viện trợ đã cam kết.
HT (JerusalemPost)