Theo ông Pompeo, tại cuộc họp trực tuyến ngày 15/6 vừa qua, Mỹ đã chấp nhận đề xuất của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell thiết lập cuộc đối thoại chính thức Mỹ-EU về Trung Quốc. Ông sẽ tới châu Âu trong vài tuần tới để tổ chức phiên họp đầu tiên. Ông Pompeo nhấn mạnh Mỹ và EU cần có một sự đồng thuận về Trung Quốc.
Kế hoạch đối thoại được đưa ra trong bối cảnh ông Pompeo đang tìm cách gây sức ép để các nước khác "tẩy chay" Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc với lý do các nguy cơ đối với an ninh quốc gia và quyền riêng tư. Năm ngoái, Mỹ đã cấm Huawei, nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới và tiên phong trong lĩnh vực công nghệ 5G, cung cấp dịch vụ cho các hệ thống của Chính phủ Mỹ, đồng thời khuyến cáo các lĩnh vực tư nhân không sử dụng thiết bị của Huawei.
Mỹ lâu nay cho rằng hai tập đoàn Huawei và ZTE của Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với chính phủ và các thiết bị từ các nhà sản xuất này có thể được sử dụng để do thám các quốc gia và công ty khác, động thái mà Washington cho rằng đi ngược lại với lợi ích an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ. Hai công ty này luôn bác bỏ cáo buộc trên của Mỹ. Hồi tháng trước, Trung Quốc cảnh báo sẽ thực hiện "những biện pháp cần thiết" nhằm bảo vệ Huawei và các công ty khác sau khi Mỹ thông báo một loạt biện pháp hạn chế mới đối với việc mua thiết bị bán dẫn của Huawei.
Canada và Anh là hai thành viên còn lại trong liên minh tình báo Five Eyes (gồm Mỹ, Australia, New Zealand, Anh và Canada) chưa đưa ra quyết định liên quan đến vai trò của Huawei trong phát triển mạng 5G của nước mình. Mỹ, Australia và New Zealand đều đã cấm Huawei tham gia các dự án xây dựng hệ thống 5G ở các nước này. Mới đây, hai hãng viễn thông lớn của Canada là BCE Inc và Telus đã thông báo quyết định không chọn Huawei là đối tác để xây dựng mạng 5G tại Canada.