Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Blinken đã tái khẳng định ủng hộ hoàn toàn cho các thể chế hiến pháp của Kazakhstan và ủng hộ một giải pháp hòa bình.
Cùng ngày, Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về nhân quyền, bà Michelle Bachelet thúc giục tất cả các bên tại Kazakhstan kiềm chế bạo lực và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho bất đồng sau tình trạng bất ổn lan rộng với các cuộc biểu tình quy mô lớn mấy ngày vừa qua. Bà Bachelet nói trong một tuyên bố: “Những người biểu tình, cho dù giận dữ và bức xúc đến đâu, cũng không nên sử dụng đến bạo lực chống lại người khác”.
Trước đó, biểu tình bạo loạn đã leo thang ở nhiều khu vực của Kazakhstan để phản đối tình trạng tăng giá nhiên liệu. Bất ổn an ninh đã buộc Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại nhiều tỉnh, thành lớn của đất nước, trong đó có tỉnh Mangistau, thành phố Almaty và thủ đô Nur-Sultan. Trước tình hình bạo lực leo thang trong nước mà nguyên nhân được cho là do các phần tử khủng bố đứng đằng sau, Tổng thống Tokayev tối 5/1 đã phải yêu cầu sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên CSTO. Nhà lãnh đạo Kazakhstan cho rằng các băng nhóm khủng bố hoạt động ở nước này đã được đào tạo ở nước ngoài và do đó có thể coi là khủng bố quốc tế..
Cũng trong ngày 6/1, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các đơn vị đầu tiên của nước này thuộc Lực lượng gìn giữ hòa bình tập thể của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) đã đến Kazakhstan. Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng xác nhận lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO được triển khai đến Cộng hòa Kazakhstan trong một thời gian nhất định để ổn định và bình thường hóa tình hình. Nhiệm vụ chính của họ là bảo vệ các cơ sở quan trọng, căn cứ quân sự và hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật nhằm lập lại trật tự.