Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ngày 27/8 cho biết Mỹ "đã sẵn sàng hành động" nếu có lệnh của Tổng thống Barack Obama phát động các cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian về kế hoạch quân sự đối với Syria. Ảnh: AFP. |
Phát biểu của ông chủ Lầu Năm Góc, hiện đang có chuyến thăm tại Brunei, nhấn mạnh Mỹ đã di chuyển các căn cứ vào vị trí để có thể thực hiện và đáp ứng bất cứ lựa chọn nào của Tổng thống Obama.
Hãng tin NBC của Mỹ trích lời các quan chức của Mỹ cho biết các cuộc tấn công kéo dài 3 ngày nhằm vào Syria có thể bắt đầu sớm từ ngày 29/8, và sẽ có phạm vi giới hạn và nhằm chuyển tải thông điệp tới Tổng thống Syria Bashar Assad hơn là làm suy yếu khả năng quân sự của chính quyền Damacus.
Bất chấp sự bác bỏ của Syria, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định vũ khí hóa học đã được sử dụng quy mô lớn tại Syria và Chính phủ của Tổng thống al-Assad phải chịu trách nhiệm về việc này. Ông cũng bác bỏ tuyên bố của Nga rằng bất kỳ sự can thiệp nào vào Syria mà không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) là vi phạm luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, ông Hagel cũng khẳng định vẫn chưa có bất cứ quyết định nào được đưa ra và cần phải đợi thêm các bằng chứng xác thực. Phía Mỹ cho biết cuối tuần này sẽ công bố thông tin tình báo về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học bị tình nghi ở Syria khiến hàng trăm dân thường thiệt mạng.
Cùng ngày, tờ "Washington Post" cho biết Tổng thống Obama đang xem xét một cuộc tấn công quân sự có giới hạn đối với Syria với hy vọng không để Mỹ sa lầy vào cuộc nội chiến đẫm máu ở nước này. Các cuộc tấn công nhiều khả năng kéo dài không quá hai ngày nhằm vào các mục tiêu quân sự của Syria với sự tham gia của tên lửa hành trình phóng từ biển hoặc máy bay ném bom tầm xa.
Trước đó, hãng CNN ngày 26/8 dẫn lời một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ cho biết Tổng thống Obama đang trong lộ trình rất khẩn trương để ra quyết định về phản ứng trước tình hình Syria. Nhà Trắng dự kiến sẽ nghe báo cáo cụ thể về các lựa chọn quân sự trong vòng vài ngày tới.
Theo Hiến pháp Mỹ, Tổng thống là Tổng tư Lệnh quân đội và được quyền tuyên bố chiến tranh. Tuy nhiên cũng có một đạo luật quy định trước khi điều động binh lính tham chiến, Tổng thống phải thông báo cho Quốc hội trước 48 giờ và các lực lượng tham chiến này không được phép triển khai quá 60 ngày nếu không có sự chấp thuận của cơ quan lập pháp.
Hành động quân sự phải tương xứng và hợp pháp Trong khi đó, người đứng đầu Chính phủ Anh -một đồng minh chủ chốt của Mỹ- ngày 27/8 nhấn mạnh việc sử dụng vũ khí hóa học là điều "không thể biện minh về phương diện đạo đức" nhưng hành động quân sự đối với Syria phải tương xứng và hợp pháp.
Sau khi thông báo Quốc hội Anh sẽ nhóm họp vào ngày 29/8 để thảo luận về khả năng hành động, Thủ tướng David Cameron nêu rõ bất cứ hành động nào đối với Syria sẽ đều nhằm làm giảm bớt khả năng vũ khí hóa học của Damascus.
Ông cho biết thêm chưa có quyết định nào được đưa ra song Anh cùng các đồng minh phải xem xét liệu có cần hành động quân sự đúng mục tiêu hay không để "răn đe và làm giảm bớt khả năng sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai".
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Canađa Stephen Harper ngày 27/8 đã nhất trí rằng hành động sử dụng vũ khí hóa học ở Syria cần bị đáp trả cứng rắn, hiệu quả và đúng lúc của cộng đồng quốc tế.
Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo này diễn ra giữa lúc có những dấu hiệu cho thấy Washington và các đồng minh đang tiến đến việc sử dụng vũ lực hạn chế nhằm vào Damascus sau cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus ngày 21/8 vừa qua.
Tấn công Syria đe dọa ổn định khu vực
Phản ứng trước động thái chuẩn bị chiến tranh của Mỹ và phương Tây, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehqan ngày 27/8 cảnh báo bất cứ hành động quân sự nào nhằm vào Syria, đồng minh của Tehran, sẽ đều đe dọa ổn định và an ninh của khu vực.
Cùng ngày, nhật báo chính thức của Vatican đã chỉ trích các cường quốc thế giới vì chuẩn bị cho khả năng tấn công quân sự Syria bất chấp việc LHQ đang tiến hành cuộc điều tra về cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học gần Damascus.
Vatican phản đối bất cứ hành động can thiệp vũ trang nào, và cảnh báo việc này sẽ có thể dẫn đến tình trạng hỗn loạn tương tự như ở Irắc sau khi Mỹ phát động cuộc chiến lật đổ chính quyền Tổng thống Saddam Hussein hồi năm 2003.
TTXVN/Tin tức