Trong bối cảnh chỉ còn 8 ngày tới thời hạn chót "đình chiến" nhằm tránh leo thang trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã dẫn đầu phái đoàn Mỹ đàm phán với phái đoàn tới từ Bắc Kinh, bao gồm Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cùng các quan chức thương mại khác. Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng hai bên sẽ tiến một bước xa hơn trong việc tăng cường các cuộc tiếp xúc.
Trước đó, trong một tuyên bố, Nhà Trắng cũng nêu rõ các cuộc đàm phán Mỹ-Trung mới nhằm "đạt được những thay đổi cơ cấu cần thiết ở Trung Quốc" vốn tác động đến mối quan hệ hai nước. Hai bên cũng sẽ thảo luận cam kết của Trung Quốc trong việc mua một lượng lớn hàng hóa và dịch vụ của Mỹ.
Cùng ngày, hãng tin Bloomberg cho biết Trung Quốc sẽ đề xuất mua thêm 30 tỉ USD/năm các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu của Mỹ.
Trước đó, ngày 20/2, hãng Reuters đưa tin Trung Quốc và Mỹ đang xem xét danh sách 10 cách để Bắc Kinh giảm thặng dư thương mại của nước này với Mỹ, trong đó có việc mua các nông sản, năng lượng và các hàng hóa khác.
Các nhà đàm phán thương mại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đều nỗ lực tìm cách giảm căng thẳng thương mại trước thời hạn chót ngày 1/3, sau khi Bắc Kinh và Washington đánh thuế trả đũa nhau nhằm vào các mặt hàng nhập khẩu của mỗi nước. Tổng thống Donald Trump cũng cho hay ông sẽ để ngỏ việc gia hạn thời hạn chót nêu trên.
Cuộc chiến thương mại đã bùng phát từ giữa năm 2018, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã liên tiếp trả đũa nhau bằng các mức thuế mới. Đến nay, tổng lượng hàng hóa bị đánh thuế cao hơn của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD. Lãnh đạo hai nước đã nhất trí "đình chiến thương mại" trong 90 ngày kể từ 1/12/2018, để hai bên thương lượng một thỏa thuận nhằm chấm dứt nhiều tháng leo thang căng thẳng. Nếu giới chức hai nước không đạt được giải pháp cho cuộc chiến thương mại, Mỹ sẽ tăng mức thuế từ 10% hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD từ ngày 2/3 tới.